Kiện Trung Quốc ra tòa là điều cần phải xem xét. Nhất là, thái độ hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế, xâm lấn vùng biển của nước láng giềng của Trung Quốc lên đến tột độ.
Tuy nhiên, đặt ra vấn đề kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế, chúng ta phải nhìn lại vấn đề một cách tổng thể, khách quan. Có như vậy, chúng ta mới có được hướng đi và phương pháp phù hợp. Dưới đây, TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ, sẽ đưa ra góc nhìn pháp lý xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ trao đổi với Infonet (ảnh Hồng Chuyên)
Thực trạng Biển Đông
Trước hết, chúng ta cần nhận dạng các loại tranh chấp, bất đồng hiện nay trong Biển Đông:
Trong một số tài liệu, sách vở, báo chí và các phát biểu của môt số học giả, chuyên gia... vẫn có vấn đề trong nhận thức, hoặc là những kiến thức, thông tin chung chung, hoặc là cung cấp những khái niệm sai lệch khiến người ta không thể lý giải được bản chất của những tranh chấp phức tạp này.
Hiện tại, trong Biển Đông có 2 loại tranh chấp, bất đồng chủ yếu:
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của UNCLOS để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn.
Hai loại tranh chấp này hoàn toàn khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân…Vì vậy, các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết chúng cũng rất khác nhau.
Tuy nhiên, vì có mối quan hệ với nhau do tồn tại trong cùng một phạm vi địa lý và tác động qua lại của chúng, nhất là trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa có tính đến hiệu lực của các quần đảo này như thế nào, cũng là nguyên nhân gây nên những nhận thức khác nhau nói trên.
Loại thứ nhất:thực chất đây là tình trạng tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng mọt phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông.
Theo Công pháp quốc tế, để chứng minh, bảo vệ và giải quyết loại tranh chấp này, các bên liên quan hoặc cơ quan tài phán quốc tế đã dựa vào nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”; một nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện đại đang được vận dụng khi xem xét giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông dụng nhất hiện nay. Điều đáng nhấn mạnh là trong UNCLOS không có điều khoản nào đề cập đến nguyên tắc này. Nói một cách khác, UNCLOS không phải là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Loại thứ 2: tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn.
Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về Địa-Chính trị, Địa- Kinh tế trên phạm vi toàn thế giới với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 ra đời.
Kết quả là, trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á cò khoảng 15 tranh chấp, tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi đường biên giới lưỡi bò của Trung Quốc, vì tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của UNCLOS của nó.
Như vây, rõ ràng là UNCLOS chỉ là căn cứ pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp về biển, trong đó có tranh chấp do việc giải thích và áp dung Công ước Luật Biển không đúng hoàn toàn hay từng phần.
Chẳng hạn, việc vạch ra hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa, đường cơ sở của các hải đảo, quần đảo xa bờ, của quốc gia quần đảo…là nội dung thường là có sự khác nhau, nên đã tạo ra các vùng chồng lấn to nhỏ khác nhau cần được các bên tiến hành hoạch định theo những nguyên tắc nhất định, tùy theo chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa do Công ước quy định.
Ví dụ, tại Điều 15, Mục 2, Phần II, Công ước quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hay đối diện nhau: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ phi có sự thỏa thuận ngược lai….”.
Hay, tại Điều 74, Phần V, Công ước quy định việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau : “ Việc hoạch định ranh giới vung đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng”…, thường được gọi là theo nguyên tắc công bằng…
Biển Đông nơi đang tiềm ẩn nhiều xung đột từ "dã tâm" độc chiếm của Trung Quốc
Sử dụng cơ quan Tài phán Quốc tế như thế nào?
Những tranh chấp xảy ra trên biển gồm có nhiều loại khác nhau. Công ước Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý duy nhất để xử lý, giải quyết tất cả mọi tranh chấp.
Tại phần XV, từ Điều 279 đến Điều 299, của Công ước Luật Biển năm 1982 và các Phụ lục có liên quan, đã quy định các nội dung cơ bản như:
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp;
- Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp;
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;
- Trình tự thủ tục hòa giải (Phụ lục V);
- Tổ chức, thẩm quyền và thủ tục tố tụng của Tòa án quốc tế về Luật Biển (Phụ lục VI);
- Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (Phụ lục VII);
- Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án Trọng tài đặc biệt (Phụ lục VIII)…
Các quy định nói trên của Công ước Luật Biển năm 1982 là một bước tiến quan trọng của Luật quốc tế nói chung và Luật Biển nói riêng, là thành quả đấu tranh của mọi quốc gia, nhất là các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển, các quốc gia không có biển và bất lợi về mặt địa lý… Nó phản ánh đúng xu thế của thời đại hiện đại và văn minh, trong đó mọi mối quan hệ phải được xử lý bằng pháp luật.
Nguyên tắc nền tảng được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước Luật Biển 1982 là: Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp trong việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng Điều 2, Khoản 3 của Hiến chương LHQ, Điều 33, Khoản 1 của Hiến chương.
Tại Phụ lục V của Công ước Luật Biển 1982, đã trù định việc thành lập một Uỷ ban hoà giải có chức năng “nghe ý kiến của các bên, xem xét các yêu sách và các ý kiến phản bác của họ và đưa ra có khuyến nghị cho các bên liên quan với mong muốn đạt được một sự hoà giải” (Điều 6, Phụ lục V).
Các bên tranh chấp có thể tuyên bố bằng văn bản chấp nhận quyền tài phán của một trong các cơ quan tài phán sau: Tòa quốc tế về Luật Biển, Toà án quốc tế, Tòa trọng tài thông thường hoặc Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII dành cho các loại tranh chấp đã được định rõ trong Phụ lục này.
Theo quy định tại Điều 296, Công ước Luật Biển 1982, thì các phán quyết của Tòa có thẩm quyền là có tính chất tối hậu (chung thẩm), các bên tranh chấp liên quan phải tuân thủ. Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước yêu cầu các thành viên của Công ước phải chấp hành, không được bảo lưu. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên có quyền lựa chọn cách thức riêng để giải quyết tranh chấp, có quyền lựa chọn phành phần của Toà án…
Cần lưu ý rằng, các quy định nói trên chỉ áp dụng cho những tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982. Các loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, về phân định biên giới, ranh giới biển, thềm lục địa, phân chia lợi ích kinh tế, tài nguyên biển muốn được các cơ quan tài phán quốc tế xét xử thì đều phái có thoả thuận bằng văn bản của các bên liên quan.
Vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông hầu như đều nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhiều nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, các học giả và luật gia quốc tế.
Hiệu quả của vụ kiện này là Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã thành lập Hội đồng Trọng tài 5 thành viên và khởi động phiên đầu tiên hôm 11/7. Hiện tại Philippines vẫn tiếp tục kiên trì không thay đổi lựa chọn này bất chấp việc TQ tìm mọi cách vận động, cô lập Philippines và ngăn chặn vụ kiện.
Theo đánh giá của dư luận thì đó là việc làm văn minh, đúng luật, hoàn toàn không có nghĩa là làm phức tạp vấn đề hay quốc tế hóa vấn đề. Ngược lại chính việc thông qua cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ giúp cho vấn đề được giải quyết một cách sòng phẳng và đơn giản hơn nhiều.
Thủ tục và trình tự khởi kiện mà Philippines đã thực hiện?
Bước 1, thông báo (notification) cho Tòa về ý định của mình với các lập luận dựa theo Luật Biển. Điều này Philippines đã làm vào ngày 22/1/2013.
Bước 2, Tòa thông báo cho nước bị kiện (Trung Quốc) để lấy phản ứng. Bên bị là Trung Quốc đã từ chối tham gia. Tuy nhiên theo điều 9 của Phụ lục VII, “Nếu một bên trong vụ tranh chấp không có mặt tại tòa hoặc không biện hộ, bên kia có thể yêu cầu tòa tiếp tục tiến hành và tuyên. Việc không có mặt hay không biện hộ không thể làm dừng phiên tòa.”
Bước 3, theo UNCLOS, dù nước bị kiện không đồng ý tham gia, tòa vẫn tiến hành cử ủy viên của hội đồng xử gồm 5 ủy viên. Điều này đã làm xong.
Bước 4, sau khi hội đồng xử được thành lập, bên kiện được yêu cầu nộp nội dung/bằng chứng cho vụ kiện để tòa xử. Đây là việc Philippines vừa thực hiện.
Bước 5, theo điều 11 của Phụ lục VII, tuyên của tòa là cuối cùng, không được chống án, trừ trường hợp trước khi xử hai bên đồng ý cho phép chống án. Hai bên bắt buộc phải thi hành quyết định của tòa. Hai bên chỉ có quyền yêu cầu giải thích thêm nếu phán quyết của tòa không rõ ràng. Tất nhiên, Liên Hợp quốc không có cơ chế để thực hiện quyết định của mình và đây là một khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
Hiện nay, vụ kiện của Philippines đã đến bước thứ 4. Để khiến Trung Quốc từ bỏ “dã tâm” mà tuân thủ phán quyết của tòa không phải là điều dễ. Nhưng, việc khiến Trung Quốc đối mặt với một vụ kiện, hoặc bị phán quyết thua cũng có tác động không nhỏ đến hình ảnh của Trung Quốc. Đồng thời, điều này sẽ luôn là bằng chứng khẳng định tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc thực chất chỉ là lời nói dối. Trong cục diện Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, EU..., thì đây sẽ là “đòn đả kích” không nhỏ vào những lời nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.
theo Infonet