Một quan chức Mỹ đã gọi tuyên bố không đưa quân đội đến Biển Đông của Trung Quốc là “nguỵ biện” và cáo buộc Bắc Kinh đang dùng vũ lực để đe doạ quốc gia khác, hãng tin Reuters cho biết.
Một quan chức Trung Quốc hôm thứ Sáu (13/6) cho biết nước này không bao giờ đưa lực lượng quân sự đến thực địa nơi Bắc Kinh đang cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông.
Hiện giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vẫn đang hạ đặt giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển của Việt Nam, nằm sâu trong thềm lục địa và vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế cách 200 hải lý của Việt Nam.
Ngay lập tức, một quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington đã bác bỏ tuyên bố này của Trung Quốc, cho rằng đó là “nguỵ biện” và khẳng định Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng không quân và hải quân cũng như lực lượng bảo vệ bờ biển "để đe dọa người khác".
Các video quay thực địa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đều chỉ rõ nước này đã đưa tàu quân sự đến khu vực để bảo vệ cho hành động khiêu khích của mình. Việt Nam cáo buộc Trung Quốc gửi 6 tàu chiến.
Phía Trung Quốc đã ngang nhiên phủ nhận cáo buộc này. Ông Yi Xianliang, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách biên giới biển Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh chưa bao giờ gửi lực lượng quân sự ra hiện trường.
"Tôi có thể cho bạn biết rất rõ rằng, từ ngày 2/5 đến ngày hôm nay, và cả đến khi hoạt động (của giàn khoan) hoàn tất, chúng tôi đã, đang và sẽ không bao giờ sử dụng lực lượng quân sự", ông này nói trong một cuộc họp báo.
Vị quan chức Mỹ giấu tên gọi tuyên bố của Yi Xianliang là "một nỗ lực yếu ớt để che khuất những gì Trung Quốc đang thực sự làm".
"Trung Quốc đã duy trì một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và nhất quán xung quanh giàn khoan dầu từ ngày 2/5, bao gồm cả trực thăng và máy bay bay xung quanh giàn khoan này. Các tàu quân sự hiện nay vẫn đang hiện diện trong vùng lân cận của giàn khoan”, vị quan chức Mỹ nói.
Vị quan chức cho biết, hầu như ngày nào cũng có tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đi lại trong vùng biển tranh chấp với Philippines.
Nhắc lại những lời chỉ trích của Mỹ về cách mà Trung Quốc đã xử lý tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng, ông nói hành động của Bắc Kinh đã "tạo ra xích mích nghiêm trọng" trong quan hệ với Washington.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng trả lời phỏng vấn của Reuters hồi tháng trước cho biết chính phủ Việt Nam đang xem xét các biện pháp khác nhau để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bao gồm cả các hành động pháp lý, một động thái mà Mỹ cho biết họ sẽ hỗ trợ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông, trong khi vùng biển này cũng được Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan tuyên bố. Bắc Kinh liên tiếp xây dựng các trạm lực lượng quân sự trên một số hòn đảo mà họ chiếm được ở Hoàng Sa và cả ở Trường Sa.
Hiện giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vẫn đang hạ đặt giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển của Việt Nam, nằm sâu trong thềm lục địa và vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế cách 200 hải lý của Việt Nam.
Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ nhưng đã mạnh mẽ chỉ trích hành vi của Trung Quốc trong tuyên bố của mình và kêu gọi các giải pháp hoà bình để giải quyết vấn đề.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.
Infonet
Title :
Trung Quốc dối trá và ngụy biện về thực tế ở Biển Đông
Description : Một quan chức Mỹ đã gọi tuyên bố không đưa quân đội đến Biển Đông của Trung Quốc là “nguỵ biện” và cáo buộc Bắc Kinh đang dùng vũ lực để đe ...
Rating :
5