Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu
Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu - em ruột của thân phụ vua Gia Long (Nguyễn Ánh 1762-1820 – vị vua khai triều đời nhà Nguyễn) được khai quật năm 1994 tại khu vực Xóm Cải, quận 5, TP HCM.
Hiện tại, ngôi mộ mới của bà được xây dựng hoành tráng không thua kém các lăng tẩm của những bậc “vương tôn, công hầu”.
Bức ảnh chụp khu mộ “song táng”
Nằm xen giữa 15 ngôi mộ bình thường khác, cổ mộ hiện lên với dáng vẻ bề thế, kết cấu vững chắc giống như một ngôi đình, khuôn viên rộng lên đến hàng trăm mét vuông.
Khu mộ đồ sộ có cổng vào bằng trụ đá và tường rào bao quanh dài tới 10m và cao 1,2m. Cổng mộ cao 1,4m, rộng 0,8m, cao 0,6m, được xây theo hình mái vòm cong. Kết cấu gò mộ bên trong khá lớn, dài 3,6m, rộng 3m, cao 3,2m. Gò mộ gồm 2 phần: phần trước là bia mộ chìm, các chữ khắc trên đó đã mờ hết, chỉ còn đọc được ba chữ “năm Kỷ Tị”; phần sau có khắc hoa văn.
Lớp vỏ quách của ngôi mộ vô cùng vững chắc. Các nhà khảo cô phải dùng đến sức 15 thanh niên, trong 40 ngày ròng rã đào bới mới có thể chạm được đến lớp đáy quách sâu gần 8m.
Tiếp tục khai quật bên dưới, họ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra đây là một huyệt mộ song táng: 1 huyệt mộ nam và 1 huyệt mộ nữ.
Huyệt mộ nam, được cho là một người thân của bà Hiệu, không được may mắn như huyệt mộ nữ, bên trong chỉ còn lại một ít xương cốt và một vài hiện vật. Đó là 7 chiếc nhẫn vàng mặt đá, quạt giấy, lược, bút lông, nút áo mạ vàng,…
Những bức ảnh chụp xác ướp bà Hiệu được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM
Huyệt mộ nữ, chính là huyệt mộ của bà Nguyễn Thị Hiệu, xác ướp bên trong còn khá nguyên vẹn. Bên ngoài áo quan có sử dụng cói khô - chất liệu có tác dụng hút ẩm rất tốt - để che phủ. Không chỉ vậy, dưới lớp chiếu còn được phủ rất nhiều lớp giấy bản hút ẩm tốt, độ dày lên đến hơn 5cm.
Sở dĩ, hai huyệt mộ có mức độ nguyên vẹn khác nhau một trời một vực như vậy là do lớp sơn giống hắc in phủ toàn bộ quách và quan tài. Lớp sơn này vốn được dùng để ngăn nước mưa thấm qua đất vào bên trong quan quách, giúp cho dung dịch ướp xác không bị tràn ra ngoài. Bên huyệt mộ nam không có lớp sơn này mà chỉ có lớp quách gỗ thường nên dung dịch tràn hết ra ngoài, khiến cái xác không còn được nguyên vẹn.
Nằm bên dưới chín lớp áo vải, lụa, gấm quý, xác ướp của bà Hiệu được bao phủ bởi lớp dung dịch màu đỏ, toàn thân tỏa ra một mùi dầu thông thơm nồng.
Các nhà khảo cổ xác định, bà Hiệu khoảng chừng 60 tuổi, tóc đen chớm ngang vai, chỉ có vài sợi bạc. Dưới chân bà còn đặt một đôi hài bằng vàng, trên có đục 7 lỗ theo đúng hình chòm sao Đại Hùng tinh Bắc Đẩu.
Hiện vật này rất giống với những hiện vật được tìm thấy trong những ngôi mộ cổ của các bậc cung phi hay hoàng tộc được khai quật ở khu vực phía Bắc.
Theo quan niệm của Đạo Lão, Đại Hùng tinh Bắc Đẩu giúp bảo vệ vong linh người chết thoát khỏi tai ương của “đời sống cõi âm”.
Đôi hài vàng đặt dưới chân xác ướp
Một điều đáng kinh ngạc khác là trải qua hàng trăm năm, các khớp xương của xác ướp vẫn có thể vận động co duỗi linh hoạt; các bộ phận chưa có dấu hiệu bị phân hủy, cơ thể chỉ bị teo lại chút ít.
Theo nhận định từ các chuyên gia khảo cổ, xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu là một trong số những trường hợp hiếm hoi được bồi táng rất nhiều vàng bạc và đồ dùng quý giá. Đây là một minh chứng rõ rệt cho việc bà có quan hệ huyết thống với Hoàng tộc nhà Nguyễn.
Hiện nay, xác ướp của bà được bảo quản rất cẩn thận trong Bảo tàng Lịch sử TP HCM.
Xác ướp bà phi dòng họ Trịnh
Năm 1957 tại Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện ra 1 ngôi mộ với xác ướp trong tình trạng khá hoàn hảo.
Trước đó, không biết vì lí do gì mà ngôi mộ này đã bị người dân địa phương đào lên còn xác ướp thì bị đưa ra khỏi quan tài, vùi lấp tạm bợ giữa đồng 3 ngày rồi chôn lại trong quan tài ngập nước trong thời gian gần một tháng.
Tuy bị tác động bởi những nhân tố ngoại cảnh như vậy nhưng đến khi các nhà khảo cổ tiếp cận, xác ướp vẫn còn nguyên vẹn và ngạc nhiên hơn nữa, nó có mùi dầu thơm.
Thông thường, người ta vẫn cho rằng các ngôi mộ và xác ướp lúc nào cũng có mùi hôi thối chứ không nghĩ là lại có mùi thơm đến vậy.
Một năm sau đó, khi phát hiện ngôi mộ của vua Lê Dụ Tông, giới khảo cổ cũng tìm thấy một mùi hương gần giống như vậy.
Chất dầu thơm đó ngấm vào da, và còn qua da thấm vào các nội tạng trong cơ thể, khiến mọi thứ sực nức một mùi thơm kì lạ. Không những thế, hầu hết tất cả những vật bồi táng bên cạnh cũng…thấm đẫm dầu thơm.
Không những thế, cả một vùng đất xung quanh ngôi mộ cũng nhiễm phải mùi thơm này. Phải rất lâu sau đó, mùi dầu thơm mới bay đi hết.
Sau khi được khai quật lên, xác ướp được tắm lại bằng nước sạch năm lần mùi thơm vẫn tỏa hương ngào ngạt.
Theo phán đoán của các giám định viên, rất có thể chất dầu thơm này được chế từ nhựa thông, người xưa đã khám phá ra công dụng bảo quản xác ướp của loại dung dịch này và dùng nó để bảo vệ thi hài của vua chúa và hoàng thân quốc thích.
Bia mộ đề thời gian chôn cất thuộc niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680). Quan tài chứa xác ướp được đóng bằng gỗ ngọc am, 1 loại gỗ quý hiếm và chắc chắn. Những hiện vật còn sót lại là sáu chiếc áo gấm thêu kim tuyến. Sau thời gian tìm hiểu, xác ướp được các chuyên gia xác định là một bà phi thuộc dòng họ Trịnh.
Hải Yến (Look at Vietnam)