Những người đàn bà đi qua cuộc đời vua Bảo Đại được cho là đa tình này đều là những mỹ nhân tuyệt sắc
Nam Phương Hoàng hậu
Đám cưới của vị vua hào hoa Bảo Đại lúc 21 tuổi với một thiếu nữ tràn trề hương sắc miền Nam Nguyễn Hữu Thị Lan mới 19 tuổi đã diễn ra tại Huế ngày 23/4/1934, trước sự hiện diện của quần thần và đại diện nước Pháp tại Điện Cần Chánh. Ngay ngày hôm đó, thực thi lời giao ước hôn lễ, cô dâu Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương.
Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu ngay sau lễ cưới là một biệt lệ, đúng hơn là một ân huệ đầy khó khăn. Vì 12 đời vua nhà Nguyễn trước Bảo Đại, các bà vợ vua chỉ được phong tước Hoàng Phi, Vương Phi, Thứ Phi và đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.
Nam Phương hoàng hậu có một sắc đẹp nức tiếng và từng được liệt vào danh sách “5 vị hoàng hậu đẹp nhất” thời bấy giờ. Tuy nhiên, cuộc sống riêng của “người con gái phương Nam” lại không được hạnh phúc. Sau khi triều Nguyễn suy vong, bà đưa các con qua Pháp sinh sống. Cựu hoàng Bảo Đại cũng rất ít khi về thăm bà vì còn bận với chuyện chính sự và các bóng hồng khác. Năm 1963, bà qua đời ở Pháp. Đám tang của Nam Phương hoàng hậu thưa thớt, không tiếng khóc than, không lời ai điếu.
Thứ phi Mộng Điệp
Sinh năm 1924 tại Bắc Ninh, bà Mộng Điệp từng có một đời chồng và một con trai. Nhưng nhan sắc mặn mà của người phụ nữ Kinh Bắc đã khiến cựu hoàng vội quên lời hứa "một vợ một chồng" với hoàng hậu Nam Phương. Lời hứa này đã được ông thực hiện suốt thời gian ngồi trên ngai vàng (1932-1945).
Mặc dù làm vợ thứ và không được tổ chức cưới xin nhưng nhờ chăm lo việc thờ cúng tổ tiên của hoàng tộc rất chu đáo nên bà Mộng Điệp luôn được Đức Từ Cung quý mến. Bà cũng được ban áo mũ để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ (vì bà Nam Phương là người theo Thiên Chúa giáo).
Năm 1953, bà được Bảo Đại giao nhiệm vụ mang cặp ấn kiếm và một số báu vật của triều Nguyễn qua Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương và định cư luôn ở Pháp. Trên đất Pháp, bà tiếp tục có với Bảo Đại hai người con trai, đặt tên là Bảo Hoàng (sinh được một năm thì mất) và Bảo Sơn.
Cũng giống như Nam Phương hoàng hậu, chỉ sau một thời gian, Bảo Đại đã chạy theo tiếng gọi của những bóng hồng khác, bỏ bà sống cô độc một mình ở đất khách quê người.
Lý Lệ Hà
Lý Lệ Hà vốn xuất thân là một cô gái nông thôn nghèo quê ở Hải Phòng, được mọi người quen gọi là Thông. Năm 1932, cô bắt đầu sống bằng việc “buôn hương bán phấn” nổi tiếng với sắc đẹp quyến rũ. Khoảng 1934 (1935?), cô trú tại một nhà hát cô đầu ở khu phố Quán Bà Mau ở đất Cảng. Năm sau, cô lên Hà Nội và tiếp tục làm gái nhảy cho một vũ trường ở phố Khâm Thiên của cô Đốc Sao. Cùng với cô Đốc Sao, Lý Lệ Hà trở thành một trong hai vũ nữ nổi tiếng bậc nhất Hà Thành khi đó.
Về việc Lý Lệ Hà trở thành người tình của Bảo Đại có nhiều giai thoại khác nhau. Nhưng cuối cùng, nhan sắc tuyệt trần với hàm răng trắng như ngọc của Lý Lệ Hà đã khiến cho Bảo Đại say mê. Không những vậy, với kinh nghiệm tình trường dày dạn, Lệ Hà liên tục có các chiêu tấn công độc đáo khiến ông hoàng Bảo Đại luôn luôn bị động, lúng túng và gục ngã vô điều kiện.
Sau khi chính thức là người tình của Bảo Đại, vũ nữ Lệ Hà và ông hoàng lúc nào cũng đi cùng với nhau. Sách “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” có ghi lại rằng: Bảo Đại quan hệ công khai với Lý Lệ Hà, đêm đêm đi dạo, ăn nhậu, lui tới các nơi ăn chơi, tiệm nhảy bất chấp dị nghị của dân chúng đang sống khắc khổ đạm bạc.
Mối tình của Bảo Đại và Lý Lệ Hà đã khiến cho Nam Phương hoàng hậu cũng như thứ phi Mộng Điệp vô cùng buồn lòng. Sau năm 1946, Lý Lệ Hà cùng Cựu vương Bảo Đại sống lưu vong tại Hồng Kông.
Nhưng cuối cùng, cuộc tình giữa Lý Lệ Hà và Bảo Đại cũng kết thúc vì Bảo Đại vốn là một người đàn ông đẹp trai, thông minh nhưng cũng vô cùng đa tình. Ông hoàng Bảo Đại đã tự động rời bỏ cô vũ nữ xinh đẹp để tiếp tục đeo đuổi những mối tình khác.
Ngoài ba giai nhân nêu trên, những cái tên như: Lê Thị Phi Ánh, Hoàng Tiểu Lan, Monique Marie Eugene Baudo, Vicky… cũng là những nhan sắc khiến ông hoàng này mê mệt. Tuy nhiên, những cuộc tình này đều kết thúc trong dang dở, bởi bản thân Bảo Đại là một ông vua hào hoa và đa tình.
theo Đời sống pháp luật