Ngồi thiền nhưng trong đầu lại hiện lên cảnh một ngôi chùa với những ngôi mộ cổ hiện lên rõ mồn một. Không biết vị trí chính xác ở đâu chỉ thấy trên mái chùa phấp phơ sương trắng với một vòng hào quang chói lòa. Sư thầy Thích Thanh Toàn nói như thế khi kể về việc bắt đầu đi tìm lại ngôi chùa nay chỉ còn là dấu tích.
Đam mê đạo Phật và có căn tu từ nhỏ, sư thầy Thích Thanh Toàn khi chính thức tu hành tại chùa Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã tự đặt câu hỏi: "Phật giáo Việt Nam khai sinh từ đâu?". Câu trả lời chỉ có trong một số tài liệu ít ỏi về Phật giáo và vẫn chưa ngã ngũ mà sư thầy tìm đọc được.
Hành trình tìm chùa Địa Ngục
"Một giả thuyết cho rằng chùa Địa Ngục trên đỉnh Tam Đảo, Vĩnh Phúc là nơi Đức Chử Đồng Tử sau khi học phép tiên của sư tổ Phật Quang đã ẩn tu ở Nê Lê đã khai sáng ra đạo Phật của nước Việt. Thế nhưng chùa Địa Ngục ở đâu và còn hay mất thì không ai rõ. Đã có nhiều khảo cứu tìm chùa Địa Ngục mà không ai tìm được", sư thầy Thích Thanh Toàn nói. Không biết tiền nhân mách bảo hay Đức Phật hiển linh đã chỉ đường cho tôi tìm được chùa Địa Ngục, nơi được coi là khai sinh ra Phật Giáo Việt Nam".
Mùa thu năm 2008, trong lõi rừng Tam Đảo, một đoàn người cõng ba lô lần đường đi trong đêm tối. Trong đoàn người, nhà sư vừa dẫn đường vừa niệm Phật hiệu. Sáu người khác là hai phật tử từ Hà Nội lên, 4 nhân vật còn lại là người dân tộc bản địa thông thuộc đường đi lối lại. Những con dốc xuyên rừng dựng đứng làm chậm hẳn bước tiến của đoàn người. Đi từ đầu giờ Tí (23g) mà mãi đến giờ Mão (7g), khi ánh mặt trời đã lấp lóa đỉnh núi họ vẫn chưa tìm được chùa Địa Ngục. "Lạc đường rồi!", sư thầy Thích Thanh Toàn, người dẫn đầu đoàn người buông tiếng thở dài.
Chùa Địa Ngục hiện nay dựng trên nền cũ.
"Đó là lần thứ sáu, tôi có mặt cùng sư thầy Thích Thanh Toàn và đoàn người đi tìm dấu vết chùa Địa Ngục nhưng thất bại", cô Trần Thị Huyền, một phật tử ở Thanh Xuân, Hà Nội nói. Quyết tâm “phải tìm bằng được chùa Địa Ngục” của sư thầy Thích Thanh Toàn được cụ thể bằng chuyến đi thứ 7 giữa bạt ngàn rừng xanh và núi cao Tam Đảo.
Chuyến đi thứ 7 của sư thầy và đoàn người kéo dài 4 ngày đêm. Dấu chân của họ có ở khắp hang cùng, núi hẻm trên dãy núi Tam Đảo linh thiêng. Đến ngày thứ 4, khi lương khô của đoàn người đã cạn, nước uống cũng chỉ đủ cho nửa ngày thì trên ngọn núi cao nhất của dãy Tam Đảo hiện ra nền móng của một hoang tích. Những dãy đá làm móng vẫn còn nguyên vẹn nhưng đã chìm trong cỏ dại cao ngập đầu người. "Cuối cùng Đức Phật cũng không phụ Phật tâm. Móng chùa Địa Ngục rộng hơn 400m2 đã được xác định. Nền cũ đã hoang phế nhưng vẫn thoảng tiếng kinh kệ, hương trầm", sư thầy Thích Thanh Toàn không dấu niềm vui khi kể lại.
Nơi phát tích đạo Phật Việt Nam?
Năm 2009, sau khi phát hiện ra chùa Địa Ngục, sư thầy Thích Thanh Toàn phát tâm thư công đức dựng lại chùa: "Ngậm ngùi thay! Trước cảnh thăng trầm, biến đổi vô thường của tạo hoá, các đại danh lam, cổ tự, bảo tháp nay chỉ còn đống gạch vụn đổ nát, chất dày bởi lớp bụi thời gian. Dẫu biết vạn vật có sanh tức có diệt, có thành tức có hoại, là kẻ hậu học chúng ta không thể vô tâm trước cảnh hoang tàn đó".
Hàng ngàn ngày công lao động của người dân địa phương đã góp sức làm đường mòn lên núi. Đại hồng chung cũng được đúc để đưa lên. Nhưng đến tận năm 2012, ngôi chùa cũng vẫn chỉ là một chiếc lán nhỏ trên nền cũ. Kiến trúc của chùa hiện tại đáng quý nhất là 4 tháp mộ cổ được phục dựng trước cổng. Theo lời sư thầy Thích Thanh Toàn thì cạnh chùa có tới 7 ngôi mộ cổ chứ không chỉ là 4. Mộ cổ được dựng lại cao chừng 6m. Tầng trên theo dạng tháp cổ, phần phía dưới là mộ phần. "Phục dựng lại chùa không chỉ là phần kiến trúc mà còn phải phục dựng lại cả phần lịch sử đã mất. Nhiều tài liệu của cả Phật giáo và lịch sử đều cho rằng chùa Địa Ngục là nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam từ thời Hùng Vương"- sư thầy Thích Thanh Toàn nói.
Mộ tháp tại chùa Địa Ngục được phục dựng. Ảnh: M.Phương
Sư thầy Thích Thanh Toàn trích dẫn: Chùa Địa Ngục không rõ xây từ thời nào, nhưng theo cuốn Kiến Văn Tiểu lục của Lê Quý Đôn mô tả là một khối kiến trúc vuông vức, mỗi cạnh dài khoảng một trượng, các tường bao quanh chùa đều bằng đá. Thường ngày hai cánh cửa ra vào khóa kỹ bằng một khóa sắt lớn và trong khuôn viên có đặt viên đá ghi rõ: Địa Ngục tự (tức chùa Địa Ngục). Tuy nhiên, điều này không đủ chứng minh Địa Ngục tự là nơi phát sinh Phật Giáo Việt Nam. Nhưng những cứ liệu lịch sử của trong bài Phật giáo thời Hùng Vương, GS - Thiền sư Lê Mạnh Thát lại cho rằng điều này có thể chứng minh được. "Ta may mắn có một tài liệu là Lĩnh Nam Trích Quái. Truyện Nhất Dạ Trạch của Lĩnh Nam Trích Quái ghi lại việc Chử Đồng Tử đã được nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) truyền dạy giáo lý Phật giáo" .
GS Lê Mạnh Thát cũng chứng minh Quỳnh Viên là một trong những địa danh tại Tây Thiên mà Phật giáo truyền vào nước ta từ thời Hùng Vương (tương đương với thời đại ASOKA- A Dục vương, một vị vua Ấn Độ). Cùng quan điểm với sư thầy Thích Thanh Toàn, tác giả Thích Kiến Nguyệt trong tài liệu "Tây Thiên - Chiếc nôi của Phật Giáo Việt Nam" đã khẳng định: "Tây Thiên phát xuất từ ý nghĩa nơi các nhà sư "Tây Thiên" từ Ấn Độ đến tu hành. Vì theo trong kinh từ Tây Thiên chỉ cho nước Ấn Độ, cũng như từ Đông Độ chỉ cho nước Trung Hoa. Tác giả Thích Kiến Nguyệt cũng cho rằng: chùa Địa Ngục là một trong những chùa cổ nhất của thiền phái Tây Thiên tại Việt Nam.
Đêm nghe chuyện "rừng ma ao dứa"
Chiều buông xuống rất nhanh trên đỉnh Tam Đảo. Mới 4g chiều ánh sáng đã tắt, sương mờ lối đi. Anh Nguyễn Văn Tú, người Lập Thạch, một công nhân xây dựng bị tai nạn tật nguyền một chân ở lại trông chùa từ năm xây bảo tháp nổi lửa nấu cơm. Lại thêm cơm chay một bữa với lạc rang, đậu phụ và dưa muối chua vàng. "Tớ chưa được tu chính thức. Chỉ ở lại trông chùa giúp sư trụ trì (sư thầy Thích Thanh Toàn - NV) thôi. Nhưng vẫn phải ăn chay và lo nhang khói khi sư thầy vắng nhà", anh Tú cho biết.
Anh Tú ở đây từ năm 2008 khi nền cũ chùa Địa Ngục được sư thầy Thích Thanh Toàn cất công tìm ròng rã một năm trời mới thấy. Từ đó đến nay, sư thầy chỉ một tháng hai lần vào thỉnh kinh còn trông chùa lo nhang khói chính là anh Tú và một người chấp tác (người thừa hành phận sự trông giữ chùa -NV).
Đêm ở Tam Đảo âm u, rùng rợn. Anh Tú và người chấp tác đốt đống lửa giữa chiếc lán trung tâm ngồi nói chuyện. Củi tươi lẫn củi ướt tỏa khói mịt mù. Giữ lời hứa ban chiều, anh Tú và người chấp tác kể lại câu chuyện "rừng ma ao dứa".
"Đừng tưởng trên núi không có ao. Chiếc ao rộng hàng nghìn mét, nước xanh, sâu thẳm. Xung quanh là những bụi dứa dại gọi là dứa ma mọc um tùm. Trên ao khoảng mười mét, lúc nào cũng có mây mù giăng kín, mưa rơi không ngớt. Ao được một nhóm thợ săn bản địa phát hiện ra từ lâu nhưng chỉ còn một người thoát ra được kể lại câu chuyện...", anh Tú mở lời.
Theo lời anh Tú, mấy chục năm trước, khi rừng Tam Đảo vẫn chưa là vườn Quốc gia, người dân quanh vùng vẫn vào rừng đốn củi, săn bắt. Nghi rừng có hổ, một nhóm thợ săn đã tìm đường lên. Lần theo dấu chân hổ, nhóm thợ săn tìm đến chiếc ao kỳ bí kia. Nghi con hổ ăn mồi khát nước tìm đến, họ nằm phủ phục chờ đợi. Một ngày, hai ngày, ba ngày, con hổ vẫn không xuất hiện trong khi cơm nắm chỉ còn những hạt cuối cùng. Họ bỏ cuộc săn, chở về nhà. Nhưng khi đi theo những dấu buộc lại trên thân cây từ trước thì kỳ lạ thay, đi cả ngày mà vẫn quay lại chỗ cũ. Mòn mỏi, đói khát, những người thợ săn thiếp dần cạnh những bụi dứa. Vợ những người thợ săn phát hiện ra chồng mình không về nhà đổ xô đi tìm. Đề phòng lạc, những người vợ đã ròng dây từ chân núi đi lên. "Cả nhóm thợ săn chỉ còn đúng một người tóc tai bù xù như người rừng hóa điên hóa dại. Tất cả những người còn lại đều không thấy dấu vết. Từ đó đến nay, câu chuyện rừng ma ao dứa vẫn tiếp tục, thỉnh thoảng vẫn có người bị lạc không về. Người trong chùa vẫn nghe thấy những tiếng hú trong đêm khuya. Ma hay người đi lạc?", anh Tú nói...
Người chấp tác lặng lẽ bỏ thêm củi vào bếp, tiếp lời: "Cách đây chưa lâu, hai người nước ngoài cắt rừng đi vào trong núi. Mê cung của rừng ma ao dứa lại không cho ra. Tín hiệu cấp cứu của hai người này liên tục phát ra chỉ đến khi hàng chục cán bộ vườn Quốc gia tỏa đi tìm kiếm họ mới thoạt nạn. Cũng tại họ vào rừng với ý không tốt. Họ đem theo những thiết bị dò tìm khoáng sản quý. Đến khi ra đến cổng rừng mà đôi mắt xanh của họ vẫn lạc thần".
Sư thầy Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Địa Ngục không khẳng định gì về câu chuyện ấy có thật hay không. Sư thầy chỉ bảo hơn chục năm trụ trì ngôi chùa này, chẳng thấy ma quái mà chỉ thấy những dấu tích đầu tiên của Phật giáo VN dần lộ diện đã được khẳng định. “Ngôi chùa không chỉ độc nhất vô nhị ở cái tên mà nó còn ghi nhiều dấu ấn của nền Phật giáo VN. Chùa Địa Ngục cũng là ngôi chùa nằm trong những đỉnh cao nhất Việt Nam (hơn 1.000m so với mực nước biển).
Tiếng chuông đêm ở chùa Địa Ngục
5g sáng, người chấp tác mặc bộ quần áo màu vàng, mũ trùm đầu đã dậy đánh chuông và lần tràng hạt. Tiếng chuông xen tiếng gió rít trong khe núi tỏa hơi lạnh thấu xương. Người chấp tác nói chuông chùa Địa Ngục chỉ vang lên hai lần mỗi ngày lúc 7 g chiều và 5g sáng. Chuông chùa có trọng lượng 2,2 tấn, một trong những chiếc chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đánh chuông, thỉnh kinh xong, người chấp tác tuổi chỉ tầm hai mươi khẽ đọc bài thơ trên đại hồng chung: “Nghe chuông phiền não tan mây khói/ Giác ngộ tâm từ một hướng đi”...
Theo BĐV
.