Thi sĩ đồng trinh Hàn Mặc Tử được ví như nhà “tiên tri” tiên đoán được cả cái chết của mình.
Những dòng ông gửi cho nàng Thương Thương trước khi từ giã cõi đời không lâu chính là vần thơ tiên đoán về cái ngày định mệnh ấy!
“Điềm gở” đầu tiên và bóng hồng cuối cùng…
Khi còn trên dương gian, những nỗi đau cứ kéo dài âm ỉ trong lòng thi sĩ ngay từ mối tình đầu sâu nặng với Kim Cúc. Rồi đến mối tình thứ hai với Mộng Cầm cũng đau thương bội phần khi nàng Mộng Cầm lên xe hoa với người khác. Để rồi Mộng Cầm- một “huyền thoại tình yêu” với thi sĩ Hàn Mặc Tử mãi mãi còn khi “hoá thân” thành con dốc Mộng Cầm- nơi đường dẫn lên mộ Hàn Mặc Tử dưới chân núi Vũng Chùa, vùng Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, Bình Định bây giờ.
Không chỉ với Mộng Cầm mà mối tình thứ ba với người con gái nghĩa tình tên Mai Đình cũng thấm đẫm đau thương, ly biệt!. Ngay cả với các mối “tình thơ” trong ảo mộng, chỉ yêu trong tâm tưởng, yêu qua cái tên mà không hề biết mặt như các nàng thơ Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện, thi sĩ cũng yêu hết mình và cũng đau khổ hết mình…
Trong số các nàng thơ, cả thực cả hư ấy, người có tình cảm gắn bó nhất trong cuộc đời thi sĩ Hàn Mặc Tử chính là người phụ nữ đã cùng anh băng qua nghĩa địa trong một đêm trời đổ giông tố ở Phan Thiết - nữ sĩ Mộng Cầm.
Đó là cái đêm mà mãi tới 10 giờ khuya, Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử) mới về đến Sài Gòn. Thi sĩ thiếp đi. Hình ảnh kinh dị của cuộc đi chơi đêm qua cùng Mộng Cầm ở Phan Thiết luôn đè nặng trong ý nghĩ. Đêm ấy gần tối, khi hai người băng qua cánh đồng thì gặp phải cơn mưa giông dữ dội. Sợ hãi quá, họ ẩn trong chiếc chòi tranh đổ nát. Hồi lâu, mưa tạnh, hai người toan ra đi thì bỗng thấy rất nhiều quả cầu lửa xanh từ dưới đất vụt lên, bay lơ lửng. Giật mình, lúc này hai người mới nhận ra đang ở trong nghĩa địa, cái chòi họ trú mưa nằm kề bên một ngôi mộ mới. Từ sau lần suýt chết đuối ở biển quê hương, lần này lại thêm một kinh dị nữa xáo trộn trong Trí, như điềm báo về một nỗi ám ảnh khủng khiếp mơ hồ nào đó?! Và quả thực, không lâu sau đó, khoảng mùa xuân năm 1935 bên má trái của Trí bắt đầu xuất hiện một vài vết hồng hồng bằng đồng xu. Đó chính là triệu chứng phong nhưng Trí không hề hay biết!!!
Thời điểm ấy, Mộng Cầm đã ra đi, rồi Kim Cúc cũng theo gia đình về thôn Vỹ Dạ ở Huế. Trí nhận hai cái án tình một lúc. Nhưng chàng không hề biết rằng Kim Cúc đã quy y, dành riêng một căn phòng ngày đêm hương hoa tụng niệm để tưởng nhớ mối tình đớn đau chàng đã trao cho nàng. Bài thơ tình bất hủ “Đây thôn Vỹ Dạ” chính là dành tặng mối tình đầu trong trắng với Kim Cúc.
Nhưng người phụ nữ sâu nặng nghĩa tình nhất với Hàn Mặc Tử trong những năm tháng thi sĩ bệnh tật, người đàn bà cuối cùng trong cuộc đời Hàn Mặc Tử – lại chính là Mai Đình. Nàng được những người yêu thơ Hàn Mặc Tử ví như nàng tiên có tâm hồn nhân ái khôn cùng, bởi nàng đến và dành tình yêu cho chàng đúng vào thời điểm mà không ít người xa lánh chàng bởi căn bệnh cùi quái ác. Mai Đình bất chấp tất cả. Nàng đã mở hết lòng mình với Trí. Người phụ nữ ấy từng khuyên Trí rời Gò Bồi (cách TP Quy Hòa 15km) để vào Bệnh viện phong Quy Hòa điều trị, nàng sẽ đi theo và ở đó chăm sóc chàng. Nhưng Trí từ chối. Cuối cùng, hai người phải từ giã nhau. Để rồi một ngày cuối hè năm 1941, người phụ nữ ấy đã lặn lội đến tận chân đèo Son để khóc ngất trước nấm mồ người mình từng yêu dấu –Người cùi số 1134.
Một lối mòn mang tên Mộng Cầm dẫn lên ngôi mộ của thi nhân nằm bên Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, Bình Định - Rất nhiều người yêu thơ Hàn đã đến đây để hương khói, tưởng nhớ đến thi sĩ. Ảnh: TL
Lời thơ tiên đoán ngày ra đi…
Trong các “tình thơ” không có thực của thi sĩ đồng trinh, có lẽ nàng Thương Thương là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới thơ tình Hàn Mặc Tử.
Thương Thương chỉ đứng sau các “tình thơ” thực, sâu sắc của Hàn là Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình mà thôi. Thương Thương đã khiến Trí thốt lên những câu thơ làm khờ dại cả lòng người: Chỉ có em làm thơ anh mãnh liệt/ Tình anh vang như luồng gió van lơn/ Chỉ có em, lòng anh yêu tha thiết/ Yêu điên cuồng không một phút nào hơn… Nàng là con gái của Tham tá Toà Khâm sứ Trung kỳ Trần Thanh Đạt, là cháu gái của Trần Thanh Địch. Trần Thanh Địch vốn là bạn của Hàn Mặc Tử và chính là người đã thêu dệt nên những bức thư của "Thương Thương mê thơ Hàn" để cứu bạn thoát khỏi cơn khủng hoảng tình cảm trong lúc ốm nặng. Những lá thư cứu cánh của Trần Thanh Địch quả là có tác dụng với tâm hồn của Hàn.
Nhưng sau này, Trần Tái Phùng lo sợ thanh danh của em gái bị ảnh hưởng đã gửi thư cho Trí kể hết sự tình và yêu cầu Trí đừng đưa em gái ông vào thơ, vào kịch nữa. Điều này đã khiến Trí đau đớn khôn xiết, lâm bệnh nặng, phải vào Trại phong Quy Hoà. Nhưng có lẽ chính nhờ mối duyên kỳ ngộ với mối tình thơ trong ảo mộng này, Hàn Mặc Tử dường như đã đoán trước được cái chết đang đón đợi mình trong khung cảnh hư hư thực thực. Cái chết cô quạnh của ông đã tương ứng vào những câu thơ ông viết trước đó không lâu gửi cho Thương Thương: Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương lòng…
Trong thơ của Hàn Mặc Tử rất hay xuất hiện hình ảnh vầng trăng đơn côi, lẻ bóng và ám ảnh sự ra đi vào cõi vĩnh hằng. Ảnh: T.M
Con số chua chát…
Chỉ sau những lời thơ bi ai định mệnh ấy ít lâu, đến mùa thu năm 1940 bệnh tình của thi sĩ đã hết sức trầm trọng.
Buổi sáng ngày 20/9/1940, anh Bửu Dỏng và thầy Hứa, chánh văn phòng bệnh viện ra xe ô tô tiễn Trí vào Quy Hoà và trao hồ sơ bệnh lý cho tài xế. Xe nổ máy và sau đó dừng lại trước cổng nhà thương Nam Quy Hoà. Trí bị tê hai chân, gắng gượng lắm mới đứng lên được, run run bước từng bước một, tay bám vào xe cho khỏi ngã. Mẹ Juetta bước tới, đỡ Trí xuống đất nhẹ nhàng. Theo bàn tay đỡ của mẹ Juetta, Trí cố đi như lết, đầu cúi xuống trước bao cặp mắt dán theo. Tới giường số 3, mẹ nói: Trí, đây là chỗ của con. Người bệnh tên Xê giúp Trí mở hành lý gói bằng giấy báo cũ của Trí để lên đầu chiếc tủ con rồi cùng anh lao công trải chăn cho Trí. Trí nhìn con số của mình, số 1134 và cười chua chát: Tổng là 9- Cùng rồi!
Đã đến lúc Trí bình tĩnh đợi chờ cái gì sẽ đến với mình. Lối đi của số phận đã rõ. Ngày 30/10/1940, buổi sáng cho đến buổi tối, Trí gần như kiệt sức, không đến Nhà thờ được. Trí phờ phạc, xanh xao và xin mẹ Juetta vào phòng liệt cho tiện. Buổi sáng ngày 9/11/1940, sau khi khám bệnh cho Trí, mẹ Juetta nói: Chiều nay có người đi mời Cha vào xức dầu cho con. Trí gật đầu, Dạ rất nhỏ. Điều này Trí đã thấy nên rất tỉnh táo, sốt sắng dọn mình, không lo sợ. Trong tâm tưởng Trí bây giờ tràn đầy ánh sáng ân phước của Đức Mẹ Maria.
“Với sao sương anh nằm chết như trăng”
Rạng sáng ngày 11/11/1940, Trí tắt thở. Tài sản ở lại với thân xác gồm một bộ bà ba trắng cũ, một bộ veston cũ, một ba ta sắp hư, một gối con con, một cuốn sách của Rousseau dày 200 trang. Tuyệt nhiên không có một đồng xu trong túi. Trí ra đi đơn độc đúng như lời thơ “tiên đoán” của ông về cái chết của mình trước đó không lâu: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/Với sao sương anh nằm chết như trăng/Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/Đến hôn anh và rửa vết thương lòng”.
Nhưng cái ngày định mệnh khi người cùi Nguyễn Trọng Trí ra đi ở tuổi 28 ấy lại là khởi đầu cho sự bất tử của một thi sĩ lớn - thi sĩ đồng trinh Hàn Mặc Tử.
Người khởi xướng “trường thơ điên”
Hàn Mặc Tử (1912–1940) là nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra trường “thơ loạn”, trường “thơ điên”.
Ông tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sỹ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông được một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại. Ông quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm đó là 21 tuổi.
Lên Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.
Ít lâu sau, ông mắc bệnh phong - một căn bệnh nan y thời đó. Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn và mất khi mới 28 tuổi, vào ngày 11 tháng 11 năm 1940.
Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ và có người ông chỉ biết tên như: Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện. Trong thơ của Hàn Mặc Tử rất hay xuất hiện hình ảnh vầng trăng đơn côi, lẻ bóng và ám ảnh sự ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Có ít nhất hai bài hát được sáng tác để nói về cuộc đời ông: Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh và Trường ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy.
Lê Vi
Bảo Vân
(Ghi theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha)
giadinh.net.vn