Tôi nghe những người bạn của tôi kế khi xem phim của tôi, lúc khán giả vỗ tay là ông khóc. Tôi nghĩ ông mừng vì nhiều người thích phim của con mình.
Gia đình ĐD Dũng “khùng“
Trên đời này có người làm thơ và có người thuộc cả bài thơ là chuyện bình thường, nhưng có một người đã rất tự hào rằng ông thuộc lòng truyện ngắn của ba tôi, mà đúng thật. Đó là chú Nguyễn Tiến Toàn (chủ thương hiệu Xe lăn Kiến Tường) và đó là truyện ngắn “Bài học tuổi thơ”.
Mới đây, sau ngày ba tôi mất có một tờ báo nhắc lại truyện ngắn đó với chi tiết nhân vật một em học sinh 11 tuổi có ba mất ở chiến trường biên giới, cậu bé đó không được biết cha và truyện ngắn đó ông viết năm 1990. Nhưng ở đây tôi sẽ không bàn về chi tiết đó và ba tôi có gửi gắm gì hay không vì tôi không nhớ ba tôi nói về vấn đề đó. Tôi sẽ kể những mẩu chuyện có thật giữa 2 cha con tôi và xin bắt đầu từ kỷ niệm của truyện ngắn “Bài học tuổi thơ”.
“Bài học tuổi thơ” là một truyện ngắn của ba tôi tóm tắt nội dung bài tập làm văn của một cậu học sinh 11 tuổi bỏ giấy trắng chịu điểm 0 vì đề bài là “trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố” mà bạn ấy thì không có bố. Đó là một câu chuyện có thật và câu chuyện đó tôi đã kể lại cho ba tôi nghe.
Tôi học rất dở văn, thường chỉ được điểm 5 hoặc điểm 6 văn là khá lắm rồi, cho nên khi hồi nhỏ tôi kể chuyện ấy vốn cũng vô tư, ý nói mình không phải dở văn nhất lớp, có đứa còn bị điểm 0. Nhưng lúc đó ba tôi rất cảm động và thương đứa bạn của tôi hơn trước đó, vì thật ra đứa bạn ấy học không giỏi, lại cũng quậy phá nên nhà tôi cũng không thích tôi chơi với bạn ấy lắm. Trong truyện ngắn đó có nhắc tới 1 học sinh làm văn được điểm 6 như sau:
“Thằng con tôi như chợt nhớ, nó liến thoắng:
- A! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban đêm mà nó cũng được điểm 6 đó ba.
- Đêm ba nó làm gì?
- Nó nói, đêm ba nó toàn đi nhậu.
- Nó tả ba nó đi nhậu à?
- Dạ không phải. Ba nó làm việc ban ngày nhưng khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu chưa?”
Tôi thật sự không nhớ bài văn đó tôi được bao nhiêu điểm và cũng không nhớ mình đã tả ba tôi như thế nào nữa. Nhưng tôi nghĩ rằng trích đoạn trên thì giống chuyện cha con tôi, vì ba tôi không làm việc ban đêm, ông chỉ viết ban ngày và tối thì đi uống. Sau này tôi hay làm việc ban đêm, ba tôi cũng hay nhắc nhở giữ gìn sức khoẻ, cố tập làm việc ban ngày, buổi tối đi chơi cho khoẻ.
Trở lại truyện ngắn “Bài học tuổi thơ”, đoạn kết của câu chuyện: “Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt!”.
Tôi nghĩ ba tôi đã tự nhắc mình và nhắc tôi cuộc sống là phải trung thực. Mà đúng như vậy, ba tôi là người rất không thích sự giả dối. Lúc nhỏ đứa bé nào làm sai cũng sợ và hay nói dối. Tôi cũng vậy, những chuyện nho nhỏ là ba tôi la ngay, nhưng có những chuyện quan trọng tôi thường ngạc nhiên vì ông lại ứng xử khác, ông không la rầy hay căng thẳng quá mức làm chúng tôi phải quá sợ, dù là tính ba tôi cũng rất nóng, mà ông lại nhẹ nhàng hơn, nói chuyện để cho chúng tôi yên tâm là phải đối diện với sự thật.
Ông luôn cho tôi cảm giác sự thật luôn có hướng giải quyết và ông sẵn sàng tha thứ, chia sẻ và cùng giải quyết. Ba tôi luôn khuyến khích chúng tôi nói sự thật và làm những điều mình muốn.
Ba tôi nói với tôi rằng người biết tôn trọng bản thân là người phải biết đối diện với sự thật. Người nói dối là người chẳng những không tôn trọng người khác, sự việc xảy ra mà quan trọng hơn cũng chẳng biết tôn trọng chính mình, khi mình nói dối là chính bản thân mình đã tự hạ thấp mình. Mình còn không tôn trọng mình thì làm sao đòi hỏi người khác tôn trọng mình được?
Đó là kỷ niệm về tôi và ba với truyện ngắn "Bài học tuổi thơ".
Và sau đây là những chuyện khác của tôi và ba trong những năm tuổi thơ của tôi mà tôi nhớ mãi. Từ nhỏ rất nhiều điều mà tôi được ba tôi dạy theo cách chia sẻ.
Sở dĩ điểm văn của tôi luôn thấp là bởi vì tôi hay sai chính tả nên bị trừ rất nhiều điểm. Ba tôi nói với tôi rằng: “Ba cũng sai chính tả nhưng lúc nào ba viết có gì nghi ngờ là ba mở từ điển chính tả ra tra, hoặc đang hứng thì ba cứ viết sau đó ba nhờ chị hai biên tập sửa lại dùm”. Hôm lên tủ sách của ba, tôi vẫn nhìn thấy cuốn từ điển chính tả ở đó.
Tôi lại nhớ hè năm lớp 7, tôi về nói với ba là “hè này con phải đi học hè”. Ba tôi ngạc nhiên, sau đó ông đến trường nói chuyện với cô giáo. Ông về kể với má tôi rằng: Con nít đến hè phải được nghỉ, sao lại bắt đi học hè. Hè này ba sẽ dẫn 2 đứa con đi tàu hoả xuyên Việt ra đến ngoài Bắc, phải cho biết đất nước, vùng miền, ăn các món ăn các vùng, nghe chầu văn, nghe quan họ… Con học dở ba chịu trách nhiệm, miễn sao các con bảo đảm không ở lại lớp.
Rồi sau này có một cô giáo dạy văn cũng hay mắng vốn với ba tôi là: Sao con nhà văn mà văn dở quá. Ba tôi về nói với tôi rằng: Hồi nhỏ ba học giỏi toán và dở văn, ba không cần giỏi văn, không cần phải thuộc những bài văn mẫu, giỏi môn nào cũng được, miễn sao lên lớp và tốt nghiệp là được.
Tôi lại nhớ lúc nhỏ tôi cũng tập tành sáng tác nhạc và làm thơ. Bạn bè của ba tôi nhiều và cũng yêu quý nên giúp đỡ và tôi cũng có ra album năm 16 tuổi. Tôi cũng được in thơ trên báo, cũng được báo viết và phỏng vấn.
Tôi biết ba tôi vui lắm, hay khoe con nữa nhưng tôi nhớ mãi ba tôi đã kể một câu chuyện thật về con của một người nhạc sĩ rất nổi tiếng, khi anh ấy 6 tuổi cũng vào đàn piano đánh ngẫu hứng và được nhiều người khen ngợi như một thần đồng, nhưng sau này thần đồng đó không phát triển và tự thấy áp lực với cuộc sống.
Từ nhỏ tôi cũng nghe ba tôi nói nhiều về những người mà ba tôi không thích tác phẩm của họ, vì không thật đúng gu của ông nhưng ông nói với tôi rằng: “Không phải cái gì mình không thích là không hay”.
Sau câu chuyện đó ba tôi chỉ nói: “Có những người phát triển sớm nhưng lại tắt sớm. Có người đi đường càng dài càng khoẻ nên con có được đăng báo thì vui vậy thôi chứ không có gì quan trọng đâu”.
Tôi cũng nhớ khi tôi làm phim "Con gà trống", một bộ phim chiến tranh từ truyện ngắn của ông. Ông đã dẫn tôi đến viện tư liệu phim và xin cho tôi xem những phim tài liệu của cả 2 chế độ, ông bảo: "Nên xem cả 2 bên, cũng có nhiều cái hay”.
Ông chơi với nhiều thành phần miễn sao vui là được. Ông đọc, nghe, xem cũng nhiều thể loại, có thể những tác giả của những tác phẩm đó ông không chơi, hay quan điểm chính trị khác ông nhưng ông vẫn nói với tôi về giá trị của từng người, từng lý tưởng, từng tác phẩm theo góc nhìn tôn trọng.
Sau này khi những bộ phim của tôi ăn khách, những buổi công chiếu ba tôi đều đi xem. Về nhà tôi cũng hỏi ba tôi: “Ba coi được không ba?”, thường ba tôi sẽ trả lời là: “Cũng được, tụi bây có kiểu của bây, thế hệ ba khác”. Tôi hiểu được rằng ba tôi không hoàn toàn cảm hết được thể loại tôi đang làm nhưng ông tôn trọng.
Tôi có nghe những người bạn của tôi ngồi kế ông khi xem phim, khi khán giả vỗ tay là ông khóc. Tôi nghĩ ông không khóc vì nội dung của phim, ông khóc vì thương con, mừng vì nhiều người thích phim của con mình.
Có thể ba và tôi là 2 thế hệ quá xa để hiểu nhau nhưng thật may mắn chúng tôi là cha con và ông dạy tôi theo cách chia sẻ nên tôi yêu và tôn trọng, biết ơn thế hệ của ông và ông cũng không quá sốc hay xa lạ với thế hệ chúng tôi.
Theo Kiến thức