Với người dân vùng mỏ, cuộc sống của họ đã gắn liền với hòn than. Và có lẽ than đã trở thành “đặc sản”, một phần linh hồn không thể thiếu trong tâm thức của biết bao thế hệ. Cũng từ than, người ta đã phát triển lên một nghề đầy tính nghệ thuật, một thời trở thành nét văn hoá riêng biệt của Quảng Ninh: Mỹ nghệ than đá.
Đến Hạ Long trong một ngày mưa phùn của tiết trời tháng Ba, đường phố lấm lem trong bụi than và mưa tạo thành một cảnh sắc xám xịt, dò hỏi mãi chúng tôi mới tìm được xưởng chế tác than mỹ nghệ của cô Đặng Thị Lan ở phố Hoàng Diệu. Đón tiếp chúng tôi là một người phụ nữ mặc quần áo bảo hộ, đầu đội khăn, đeo khẩu trang kín mít. Thấy tôi giới thiệu là phóng viên, cô vui vẻ đưa tôi tham quan xưởng chế tác than mỹ nghệ của mình. Xưởng của cô chỉ là một phòng nhỏ và hẹp, xung quanh la liệt than và các loại dụng cụ chế tác. Vừa làm, cô vừa tâm sự với chúng tôi về nghề.
Cô Lan đang chế tác than mỹ nghệ
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mỏ, ngay từ lúc còn thơ bé, khi được chứng kiến chị gái mình điêu khắc than, cô đã rất thích thú. Lớn lên, sẵn có trong mình niềm yêu thích và đam mê, cô quyết tâm theo học nghề này từ chị gái. Qua đôi bàn tay tài hoa của mình, cô Lan đã biến những hòn than đá vô tri vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, tinh xảo và đẹp mắt. Chính cô đã làm cho “hòn than cất tiếng nói”, thổi vào than đá linh hồn của sự sống. Và cho đến nay, dẫu trải qua bao biến cố và thăng trầm, nghề chế tác than mỹ nghệ đã gắn bó theo cuộc đời cô 21 năm có lẻ.
Dưới đôi bàn tay đang thoăn thoắt đục đẽo của cô, từ hòn than thô kệch xấu xí, hình dáng chú chó với đôi tai nhọn dần hiện ra. Thấy tôi trầm trồ, cô cười bảo rằng cái nghề thủ công này đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu sáng tạo, sự công phu cao cùng tính tỉ mỉ, kiên nhẫn. Để có một sản phẩm đẹp, ưng ý, người thợ phải mất rất nhiều công đoạn. Một trong những công đoạn đầu tiên đó là lựa chọn mẫu than để chế tác. Cô cho biết: “Phải là than “nạc”, không có thớ, nguyên chất, không bị pha tạp. Nếu là than của mỏ Cọc 6 hoặc Đèo Nai thì càng tốt vì hai mỏ này có mẫu than đẹp thích hợp để làm”. Sau khi đã chọn được mẫu than ưng ý rồi thì đem về cưa thành những khối có kích cỡ theo yêu cầu chế tác. Tiếp theo, người thợ sẽ dùng các dụng cụ như dùi đục, dao gọt… để đục đẽo, tạo hình cho sản phẩm, sau đó đánh giấy ráp cho mịn. Khi công đoạn này hoàn tất, người thợ lại phải đánh bằng dầu hoả nóng cho bóng bẩy, làm nổi bật vẻ đẹp của than.
Khó khăn nhất của người thợ khi chế tác sản phẩm từ than là khâu tạo hình và đẽo gọt các đường nét nhỏ. Vì thuộc tính của than là giòn, nên chỉ cần khi đục hay gọt mà lỡ tay làm vỡ, nứt một mảng than nhỏ thôi cũng khiến sản phẩm mất đi vẻ đẹp và sự tinh tế. Lúc đó chỉ có thể khắc phục bằng cách dính keo hay rắc bột than đối với vết vỡ nhỏ và đục đẽo lại đối với vết vỡ lớn. Khâu cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm cũng rất quan trọng vì nó là khâu cần đến sự tài hoa, sáng tạo riêng của mỗi người thợ để khi vừa nhìn vào là khách mua có thể nhận ra xuất xứ cũng như do người thợ nào làm ra.
Cô Lan và con gái bên tác phẩm của mình - một chú chó điêu khắc từ than
Đối với các nghệ nhân, mỗi tác phẩm than mỹ nghệ giống như những đứa con tinh thần của họ vậy, vì thế cần rất nhiều tâm sức chăm chút cho chúng. Cô Lan chia sẻ: “Làm sản phẩm nhỏ mất ba ngày, còn với những sản phẩm lớn thì mất một tuần, thậm chí là chục ngày”. Nhìn những mảnh than nhỏ bị bắn ra khi đục, những hạt bụi than bay khắp gian phòng nhỏ, tôi mới thấu hiểu hết lòng yêu nghề cùng tâm sức của cô Lan và những người thợ như cô. Làm việc trong không gian hẹp lại ngồi một chỗ tương đối gò bó, dù có đeo khẩu trang, đeo kính hay mặc quần áo bảo hộ thì bụi than vẫn bám đầy người. “Khổ nhất là trong những ngày mùa đông, trời có rét buốt đến mấy vẫn phải bật quạt để thổi bụi. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ từ bỏ nghề này”- cô tâm sự.
Mỗi tháng, cô Lan cho xuất xưởng trên chục sản phẩm mỹ nghệ than, trong đó chủ yếu là điêu khắc than và có cả tranh than đá. Một sản phẩm điêu khắc than có giá thấp nhất từ 200 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng và phong phú về mẫu mã, kích thước. Đó là những sản phẩm lưu niệm truyền thống, mang đậm nét riêng chỉ có ở Quảng Ninh như Hòn Gà chọi, Hang Luồn hay thân thuộc trong đời sống như con chó, thuyền buồm, hoa hồng… đến những sản phẩm điêu khắc mang đậm tính tôn giáo thiêng liêng như tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Phật Di Lặc, lư hương…
Những sản phẩm than mỹ nghệ tiêu biểu ở Quảng Ninh
Khi hỏi về lịch sử truyền thống của nghề, cô Lan giới thiệu cho chúng tôi tìm gặp bà Phan Thị Cộng, một nghệ nhân lâu năm, chủ cửa hàng kinh doanh than đá mỹ nghệ “Đức Cộng” trên đường Lê Thánh Tông, TP Hạ Long. Bà Cộng từng là nghệ nhân chế tác than mỹ nghệ nhưng vì lí do sức khoẻ, hiện tại bà không còn làm công việc này nữa. Theo bà, nghề chế tác mỹ nghệ than đá đã xuất hiện tại Quảng Ninh từ đầu thế kỷ XX khi người Pháp khai thác các mỏ than ở nơi đây. Ngay sau đó, Pháp đã cho mở một xưởng chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá phục vụ cho nhu cầu của họ. Khi mở xưởng chế tác tranh, người Pháp cũng đã mở một số lớp dạy nghề cho dân bản địa học. Và theo thời gian, chế tác than mỹ nghệ đã trở thành một nghề truyền thống của vùng mỏ.
Một trong những sản phẩm than mỹ nghệ tiêu biểu ở Quảng Ninh
Sản phẩm mỹ nghệ than đá được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi vẻ đẹp và sự độc đáo về chất liệu, tính thẩm mỹ cao do bàn tay khéo léo của người nghệ nhân vùng mỏ làm ra. Thời kỳ thịnh vượng, Quảng Ninh có cả một “làng nghề” chế tác hàng mỹ nghệ than đá. Nhưng khi bước vào thời buổi kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất than mỹ nghệ ngày càng gặp nhiều khó khăn, khiến nghề truyền thống của Quảng Ninh đang ngày càng mai một.
Tìm hiểu nguyên nhân thì cô Lan và bà Cộng đều cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập đem lại từ sản phẩm thấp mà giá nguyên liệu ngày một tăng cao, những người thợ lần lượt bỏ nghề và đi làm giàu bằng những công việc khác. Số thợ lành nghề, yêu nghề và còn bám trụ lại không nhiều và theo thời gian bị mai một dần, lớp trẻ không còn mấy ai tha thiết với công việc bụi bặm, vất vả lại lương thấp này nữa…“Bây giờ, những người làm nghề này ngày càng ít, vì bọn trẻ không theo học, mà thợ cả thì mất dần đi do tuổi cao sức yếu”- bà Cộng chia sẻ. Cùng chung tâm sự với bà Cộng và mong muốn nghề truyền thống của quê hương không lạc vào dĩ vãng, cô Lan trăn trở: “Tôi tha thiết mong các cấp, chính quyền quan tâm để phát triển, gìn giữ nghề”.
Rời TP Hạ Long trở về, lòng thầm biết ơn cô Lan, bà Cộng và những người nghệ nhân khác vì nhờ họ mà nghề than mỹ nghệ vẫn còn trụ lại, tôi cứ suy nghĩ mãi về nỗi niềm của các nghệ nhân về một nghề truyền thống của quê hương đang đứng trước nguy cơ bị mất đi. Chỉ mong sao các cấp, chính quyền của Quảng Ninh sẽ sớm có một hướng đi mới và sự quan tâm kịp thời để giữ gìn những sản phẩm truyền thống độc đáo này, cũng là đóng góp cho sự phát triển đa dạng của du lịch Quảng Ninh.
Cẩm Thơ
theo Quehuongonline