Trẻ trong tuổi ấu thơ là thời kỳ phát triển rất nhanh về thể chất và trí tuệ. Vì vậy để nuôi dạy trẻ khỏe mạnh, thông minh và phát triển toàn diện cần rất nhiều yếu tố và hoạt động vui chơi mà công cụ là đồ chơi , điều không thể thiếu đối với trẻ em.
Vẻ đẹp hồn nhiên, ngộ nghĩnh
Đồ chơi dân gian từ xưa đã là một minh chứng cho sự tài khéo, óc sáng tạo của người Việt. Tính chất và kỹ thuật chế tác được triển khai từ đơn giản, mộc mạc đến phức tạp, cầu kỳ. Những món đồ chơi bé xíu xinh xắn, tinh xảo, đầy huyền diệu đã thể hiện rất nhiều tài nghệ của các nghệ nhân. Đồ chơi là sản phẩm văn hóa, tự bản thân nó, bằng vật liệu, cách chế tác… ít nhiều đều thể hiện khả năng, bản sắc của mỗi dân tộc.
Đồ chơi dân gian phong phú lắm. Bằng tre có con khăng, đèn, diều sáo, các nhạc cụ, con rối, mặt nạ… Bằng đất nung có pháo đất, tượng, ông phỗng, các loại gia xúc, gia cầm gần gũi với cuộc sống nhà nông… Phong phú và sáng tạo nhất là loại đồ chơi từ bột nếp nặn (tò he). Có đủ loại, từ các con giống ngộ nghĩnh, các loại quả trên mâm ngũ quả nhỏ xinh… đến các công chúa hoàng tử, rực rỡ, những anh hùng hảo hán, ông bụt, vị thánh, thần bí hiểm…
Những mặt hàng truyền thống trong ngày Tết, Trung Thu như: mặt nạ giấy bồi, mặt nạ mây tre (phỏng theo những tích chèo, tích tuồng, phô diễn những trạng thái vui, buồn, yêu, ghét của con người trông rất ngộ nghĩnh, hóm hỉnh), đèn lồng, đèn kéo quân bằng giấy bóng kính, những cái vương miện công chúa, hoàng hậu óng ánh sắc màu… Nhiều năm trước đây nó là những món ăn tinh thần gắn liền với tuổi thơ trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây việc chạy theo thị hiếu, việc thiếu kiểm soát của thị trường đồ chơi nhập lậu khiến cho trên thị trường nhan nhản những đồ chơi mang tính bạo lực, kinh dị, phản cảm và đồ chơi dân gian chỉ còn chiếm một thị phần quá nhỏ bé. Hiện những làng nghề sản xuất đồ chơi dân gian như diều của Bá Giang (Đan Phượng), tò he của làng Xuân La (Phú Xuyên), tàu thủy sắt Khương Đình (Thanh Xuân), con giống bằng mây tre đan Tây Phương (Thạch Thất) vẫn đang chấp nhận nhọc nhằn, không chịu mất nghiệp để đưa ra thị trường những sản phẩm đồ chơi truyền thống. Họ phải đem sản phẩm rong ruổi bán ở từng nẻo đường, góc phố.
Đưa trẻ em về với đồ chơi truyền thống
Để đưa trẻ em Việt Nam trở về với đồ chơi truyền thống, những năm gần đây vào dịp Tết Trung thu hay 1/6 Bảo tàng Dân tộc học thường tổ chức ngày hội của các trò chơi dân gian để các em được tiếp xúc với đồ chơi truyền thống. Với trẻ em, đồ chơi dân gian cũng chính là những bài học đầu đời về sự cần cù, chắt chiu, tận dụng, vượt lên khó nghèo để mà sáng tạo. Đồ chơi dân gian thường gắn liền với những trò chơi dân gian mang tính cộng đồng, bằng hữu và cộng cảm. Bởi thế, nó đã đi qua bao thế kỷ, bao thời đại góp phần xây dựng nên tài năng, nhân cách quốc gia trên con đường lao động sáng tạo và học vấn.
Thị trường đồ chơi hiện nay phát triển rất mạnh, phong phú và rất đa dạng, đa số các loại đồ chơi đã đáp ứng tốt tâm lý ham hiểu biết, ham học hỏi, trí tưởng tượng và nhu cầu chơi của trẻ em. Tuy nhiên việc chạy theo thị hiếu, thiếu kiểm soát khiến thị trường đầy rẫy những đồ chơi mang tính bạo lực, mô phỏng những thứ xấu xa, bẩn thỉu, kinh dị và quái đản rất thiếu văn hóa. Những loại đồ chơi này đang kích thích vào tâm lý tạo ra những sở thích không lành mạnh, kích động tính bạo lực hoặc quen dần với cái xấu xa, tục tĩu, kỳ quái, kinh dị có thể khiến cho tâm hồn các em trở nên chai lì, không cảm xúc, không phân biệt cái xấu, không có cảm xúc với cái đẹp, không còn sự trong sáng mà hướng tới cái thiện, mỹ… và do đó ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách của các em. Không những vậy những loại đồ chơi này còn gây nên những tác hại trực tiếp về mặt thể chất cho các em.
Những loại đồ chơi dùng nhựa PVC làm cho sản phẩm mềm, dẻo, sử dụng sơn, màu công nghiệp, keo phủ, keo kết dính có hóa chất tuy có độ sáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ nhưng rất độc hại, có thể gây nguy hiểm cho trẻ em khi tiếp xúc với loại đồ chơi này. Việc để những loại đồ chơi này làm mưa làm gió trên thị trường trong khi các sản phẩm đồ chơi truyền thống chỉ chiếm một thị phần quá nhỏ bé, ít được quan tâm và đang có nguy cơ mất dần khiến trẻ em ngày càng xa lạ với văn hóa truyền thống là điều cần được xã hội quan tâm. Đồ chơi truyền thống bị thu hẹp, lép vế trước đồ chơi hiện đại, đồ chơi nhập lậu, phản cảm, bạo lực, phản giáo dục… và hậu quả mà trẻ em phải gánh chịu từ những đồ chơi độc hại trên thị trường chính là do năng lực quản lí và đặc biệt do nhận thức của các gia đình, các cấp quản lý văn hóa, giáo dục đã chưa thực sự đánh giá đúng về giá trị của những đồ chơi truyền thống.
Đưa trẻ em về với đồ chơi truyền thống là đưa các em về với một thế giới yên bình và càng làm phong phú hơn thế giới đồ chơi của các em. Cần có một nhận thức rằng sản xuất, duy trì sản xuất, đưa đồ chơi truyền thống đến với trẻ em là một trách nhiệm văn hóa. Để từ đó có thể tìm lại cho các em những giấc mơ, những câu chuyện thần kỳ, những ước vọng thấm đẫm màu sắc huyền thoại của dân tộc và để những sắc màu văn hóa ấy mãi lấp lánh trong bất kỳ thứ đồ chơi giản dị nào của Việt Nam. Có sự tồn tại và phát triển của nó, ắt hẳn sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách văn hóa của con người Việt Nam, giữ gìn bản sắc dân tộc trong trào lưu hội nhập, toàn cầu hóa.
Nguyễn Đức (LangVietOnline)