Từ lâu, hình ảnh của người phụ nữ Việt thướt tha trong tà áo dài và chiếc nón "bài thơ" hay đằm thắm trong tà áo tứ thân với chiếc nón quai thao, đã in đậm vào tâm thức người Việt Nam. Chiếc nón lá theo người phụ nữ Việt Nam trên mọi nẻo đường, từ những cánh đồng lam lũ tới những phiên chợ quê, hay những ngày hội hè đình đám… Sản phẩm nón làng Chuông đẹp dáng, lại bền, từng là kỷ vật của biết bao cô gái khi bước lên xe hoa theo chồng một thời.
Nón lá Làng Chuông
" Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông "
Vẻ đẹp bình dị của nón Làng Chuông
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, làng Chuông (Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội) là một địa danh nổi tiếng khắp chốn kinh kỳ với gần 400 năm có nghề làm nón lá. Với 2.400 hộ dân ở đây, nghề làm nón từng phần nào cải thiện đời sống của người dân nơi đây.
Những bậc cao niên trong làng kể lại, xưa kia nón làng Chuông là sản vật dâng tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng, được làm nên từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân. Mỗi buổi sáng tinh mơ, các cô thiếu nữ trong làng lại xúng xính xâu nón ra chợ bán. Chợ làng Chuông họp một tháng 6 phiên chính, vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 Âm lịch. Những phiên chợ xưa chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng lóa.
Nghề làm nón ở làng thích hợp với phụ nữ và họ cũng là người tiêu thụ chủ yếu. Vì thế, các phiên chợ làng thu hút rất đông các bà, các cô tới. Đến phiên chợ làng Chuông vào những ngày đầu năm, mới thấy hết được những đặc sắc của một làng nghề truyền thống, mới biết rằng chiếc nón trắng đã trở thành vật dụng gần gũi thân thiết với người dân.
Để có một chiếc nón hoàn chỉnh cần phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn lá, phơi lá, là lá rồi khâu nón. Tất cả đều cần sự tỉ mỉ của đôi tay người nghệ nhân. Nguyên liệu lá lụi phải nhập từ các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, vì làng không tự trồng được. Cầm chiếc nón trắng lóa với những đường khâu khéo léo và chắc chắn trên tay, ít ai biết rằng, để làm nên nó cũng thật lắm công phu. Đầu tiên là việc chọn lá. Lá lụi mua về được vò trong cát rồi phơi hai, ba nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang bạc trắng. Sau đó, lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không nát. Vòng nón làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều. Khi nối, bắt buộc vòng nón phải tròn và chỗ nối không có vết gợn. Khác với nón thường có đến 20 lớp vòng, nón làng Chuông có 16 lớp vòng, giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại.
Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nứa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó, vì lá dễ rách, nên chỉ những bàn tay khéo léo, có kinh nghiệm mới làm được. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt, nhưng mềm mại, từng mũi khâu thẳng, đều từ vòng trong và vòng ngoài. Trong lúc khâu nón, các cô gái làng Chuông trang trí cho chiếc nón đẹp như dán vào lòng nón những hình hoa lá bằng giấy nhiều màu sắc. Tinh tế hơn, là dùng chỉ màu khâu giăng mắc ở hai điểm đối diện trong lòng nón để từ đó có thể buộc quai nón bằng những giải lụa mềm mại, đủ màu sắc, làm tôn thêm vẻ đẹp khuôn mặt các cô gái dưới vành nón. Chiếc nón thành hình, người thợ hơ chiếc nón qua hơi diêm sinh làm cho mầu nón trở nên trắng muốt và nón không mốc.
Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp người như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón lông, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nhưng từ năm 1940 cho đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón dành cho phụ nữ. Trung bình mỗi ngày một người thợ lành nghề chỉ làm được khoảng từ 1 đến 2 chiếc nón tùy vào chất lượng. Những người thợ ở làng làm việc rất miệt mài, thường từ 7h sáng đến tận 10 tối. Như một đặc thù nghề nghiệp nên đối với những người thợ gắn bó với nghề làm nón thì tay đều có “những vết sẹo” lỗ chỗ của những vết kim đâm.
Chợ làng Chuông họp 1 tháng 6 phiên
Mong muốn được giữ gìn nghề truyền thống của làng
Gắn bó và mong muốn giữ nghề truyền thống của làng nhưng thu nhập từ sản phẩm nón không cao, trung bình mỗi chiếc nón, người dân chỉ bán được khoảng từ 40.000 – 60.000 đồng. Trừ các chi phí mỗi người đan nón chỉ có thu nhập được 20.000 một ngày. Thời gian gần đây sự khó khăn cho người dân càng lớn khi mà giá nguyên liệu liên tục tăng, trong khi giá nón phải giảm để tiêu thụ được hàng. Chị Hà, một người thợ đan nón ở làng Chuông, cho biết: “Trước đây thì còn đỡ chứ 3-4 năm nay công việc đan nón khó khăn quá. Thu nhập không đủ ăn và chi tiêu trong gia đình”. Chính vì những khó khăn đó, nhiều người thợ trong làng đã phải chuyển hoặc làm thêm nghề mới là nghề làm lồng chim. Giờ vào làng, chúng ta có thể nghe thấy tiếng máy cưa, máy tiện ầm ỹ đang lấn át những tiếng khâu nón rền rã. Sân chùa, bờ đê của làng giờ không chỉ phơi lá lụi mà còn để phơi tre, nứa. Số hộ gia đình trong làng theo nghề làm nón đang thưa dần, thậm chí có đội sản xuất đã không còn một nhà nào làm nghề cổ truyền ông cha để lại.
Nhìn vào thực tế của làng nghề, nhiều người già trong làng, nhất là những người đã gắn bó với nghề truyền thống của làng không khỏi chạnh lòng ngao ngán và tiếc cho một làng nghề hưng thịnh xưa kia. Cụ Cát, người từng gắn bó lâu năm với nghề làm nón của làng, chia sẻ: “Tôi rất lo cho tương lai của nghề làm nón. Kinh tế khó khăn, thu nhập thấp nên chẳng ai còn mặn mà với nghề này. Tôi thì cũng gần 90 rồi nên không thể đan nón được nữa”.
Cuộc sống thời kinh tế thị trường, nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một, nghề làm nón làng Chuông có lẽ cũng đang là một trong số đó. Tuy nhiên hiện ở làng vẫn còn những người thợ vẫn gắn bó với nghề, mong muốn nghề được duy trì và sản phẩm nón trở thành một thương hiệu được đông đảo mọi người biết đến. Chị Doan, thợ khâu nón của làng, lạc quan cho biết: “Làng tôi từ xưa đến nay đã nổi tiếng với nghề làm nón. Dù đời sống khó khăn thế nào thì nghề này cũng không bao giờ mất đi, nó đã thành bản sắc của làng”. Điều này đã thể hiện niềm đam mê và gắn bó với nghề làm nón của người dân làng Chuông chưa bao giờ tắt dù thực tế người làm nghề nón trong làng giờ không nhiều như xưa. Thiết nghĩ, để làng nghề nón làng Chuông không bị đi vào quên lãng, thương hiệu làng nón được lan xa không chỉ trong nước mà ra cả nước ngoài qua chân của những du khách quốc tế, đòi hỏi sự quan tâm và chính sách cụ thể của các cấp có thẩm quyền để những người thợ làng nghề sống được với nghề và phát triển nghề, có được như vậy thì nón làng Chuông mới không bị xóa tên trong làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của dân tộc.
Nguyễn Huệ
theo Quehuongonline