Trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt, trò chơi dân gian như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tạo thêm sợi dây gắn kết mọi người với quê hương, xứ sở thanh bình. Trò chơi dân gian mang tính giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực, kích thích trí thông minh, tài khéo léo của con người, mang tính cộng đồng rất cao, lôi cuốn mọi người cùng vui chơi và ai cũng có thể tham gia.
Đánh đu một trò chơi dân gian vẫn hiện diện trong những lễ hội xuân hiện đại
Từ xa xưa, cha ông ta đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian, góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa cổ truyền dân tộc. Các trò chơi thường được tổ chức quy củ trong lễ hội, tạo nên nét đặc trưng tiêu biểu, làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của cư dân các vùng miền của đất nước. Bên cạnh đó, trò chơi – đồng dao của người Việt là một bộ phận của trò chơi dân gian. Đây là một hình thái hoạt động của trẻ em trong lúc vui chơi, nhằm để thỏa mãn nhu cầu phát triển tâm – sinh lý lứa tuổi và mở rộng tầm hiểu biết của chúng về môi trường tự nhiên, xã hội. Trẻ em nông thôn xưa cứ hồn nhiên lớn lên với những trò chơi dân dã mà không kém phần ý nghĩa này.
Trò chơi nuôi dưỡng tâm hồn, gắn kết cộng đồng
Trong các lễ hội, bên cạnh phần lễ, phần hội luôn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương bởi sự phong phú của các trò chơi dân gian, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho cả người chơi và người xem. Trò chơi dân gian bên cạnh việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự khéo léo của người chơi còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Cha ông cha ta đã sáng tạo ra rất nhiều trò chơi như: đánh đu, kéo co, đấu vật, đánh cờ tướng, hô bài chòi... Ðồng bào các dân tộc thiểu số cũng có các trò chơi khá phong phú như: ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo... Các cư dân vùng biển thì có thi bơi biển, kéo co trên cát, chạy tiếp sức trên bãi biển hay thi gánh cá…
Nhiều thế hệ người Việt tuổi thơ gắn với những buổi chiều thả diều trên cánh đồng quê yên bình
Trò chơi dân gian không chỉ mang tính giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực, mà còn kích thích trí thông minh của người chơi. Có những trò chơi đạt tới trình độ nghệ thuật, mang tính thẩm mỹ cao. Trò chơi đánh đu có thời thu hút rất đông nam thanh, nữ tú. Trên chiếu đu, đôi trai gái cùng nhún rất nhịp nhàng và chiếc đu được đẩy lên cao dần cùng tà áo dài của cô gái tung bay trước gió tạo thành hình ảnh đẹp và thơ mộng. Trò chơi ném còn với quả còn nhiều mầu sắc được tung lên không trung qua bàn tay khỏe khoắn, khéo léo của các chàng trai, cô gái tìm cách lọt qua chiếc vòng trên ngọn cây nêu gây hồi hộp, hấp dẫn. Những bộ môn nghệ thuật dân tộc độc đáo như múa rối nước, bài chòi cũng khởi đầu từ trò chơi dân gian. Trò chơi cờ tướng (cờ người) thể hiện trí tuệ điều binh khiển tướng; trò đấu vật thể hiện tinh thần thượng võ và sức khỏe của trai tráng…. Trò gánh cá trên biển mô phỏng cuộc sống đời thường của cư dân ven biển: đàn ông đánh cá, phụ nữ vận chuyển cá từ tàu về bến đi tiêu thụ. Ở trò chơi này, các thành viên tham gia chia thành từng cặp, vừa gánh vừa chạy thi với nhau. (“Cá” ở đây là những bao cát có trọng lượng hàng chục kg….). Thông qua các trò chơi dân gian, mọi người cũng có thể hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt đặc sắc, tiêu biểu nhất của chính địa phương mình sinh sống cũng như trong từng dân tộc.
Trò chơi ném Pao của các em thiếu nhi dân tộc miền núi
Bên cạnh những trò chơi dành cho người lớn và thường được tổ chức vào dịp tết, lễ hội…, còn có vô vàn trò chơi dân gian hàng ngày dành cho trẻ em, mà ngày xưa đi đến bất cứ ngõ xóm, làng quê nào, bạn cũng có thể bắt gặp như: bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, chơi chuyền, pháo đất, đánh đáo, thả diều… Trò chơi dân gian dành cho trẻ em thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo của dân tộc. Đấy là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần một cách thoải mái, có thể ngắn dài bất kỳ hoặc lặp đi lặp lại không dứt. Những vòng quay của con quay (chơi cù) hay những bước nhảy lò cò của trò chơi ô ăn quan... tất cả như một bức tranh sinh động của cuộc sống. Những điệu nhảy mềm mại, những cánh diều bay nhè nhẹ trên cao như đưa văn hóa Việt Nam đến khắp năm châu.
Trò chơi chuyền của trẻ em nông thôn miền Bắc
Khôi phục và phát huy trò chơi dân gian
Trong cuộc sống hôm nay, với sự phát triển của công nghệ giải trí, nhiều khi trò chơi dân gian bị lãng quên. Trẻ em không còn say mê với các trò kéo co, nhảy dây, ô ăn quan, rồng rắn lên mây nữa mà hướng đến các trò chơi hiện đại. Phải nói, các trò chơi hiện đại rất hấp dẫn bởi tính mới lạ, muôn màu vẻ, do công nghệ máy móc đem lại. Nhưng rồi dần dần nó cũng bộc lộ những hạn chế và tác hại. Nhiều trẻ em nghiện trò chơi điện tử vừa tổn hại sức khỏe, vừa ảnh hưởng xấu tới học tập và tư cách đạo đức. Những trò chơi mang tính bạo lực đang "đầu độc" lớp trẻ, mang đến hậu quả khôn lường. Cho nên bên cạnh việc tổ chức quản lý tốt các trò chơi hiện đại, công nghệ giải trí phát triển lành mạnh thì việc phục hồi các trò chơi dân gian có ý nghĩa sâu sắc.
Khi cùng hướng tới mục tiêu giải trí lành mạnh thì trò chơi hiện đại và trò chơi dân gian không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau làm cho sân chơi giải trí càng phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu vui chơi của mọi tầng lớp nhân dân. Trò chơi dân gian cứ lùi khuất dần về quá khứ không phải vì nó cổ và kém hấp dẫn mà cái chính là do chưa được quan tâm phục hồi và phát huy trong cuộc sống hiện đại. Thế hệ trước được vui chơi các trò chơi dân gian nay đã cao tuổi, còn lớp trẻ, nhất là trẻ em rất ít khi được tiếp xúc với trò chơi dân gian, có nhiều em không hình dung nổi trò chơi đó diễn ra như thế nào. Nếu trò chơi dân gian được thường xuyên tổ chức thì đâu đến nỗi xảy ra tình trạng như vậy. Thực tế cho thấy một số nơi khi khôi phục lại các trò chơi dân gian được rất đông người, nhất là trẻ em hưởng ứng, thích thú.
Trò chơi nhảy dây
Trở lại với các trò chơi dân gian những năm gần đây, chúng ta mừng vì mọi người đã chú ý đến việc tổ chức các trò chơi dân gian tại các lễ hội, khuyến khích nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài trời với các trò chơi dân gian giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông xưa, nhiều đồ chơi truyền thống xuất hiện trở lại,… Nếu trò chơi dân gian được chúng ta thường xuyên tổ chức thì một nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ không bị đẩy lùi vào quá khứ. Mà thực tế cho thấy một số nơi khi khôi phục lại các trò chơi dân gian được rất đông người, nhất là trẻ em hưởng ứng, thích thú. Ðầu tư cho các trò chơi dân gian không cần nhiều chi phí tốn kém. Chỉ cần vài cây tre là có thể trồng được một cây đu, chỉ cần một khoảng đất trống là có thể tạo ra một sới vật hoặc trồng một cây nêu để ném còn... Ở vùng nông thôn, miền núi, khi kinh tế chưa dồi dào, khi trò chơi hiện đại chưa xuất hiện nhiều thì việc phục hồi trò chơi dân gian là rất cần thiết để sinh hoạt văn hóa cộng đồng phát triển, để hương sắc Việt lại lan tỏa và phát triển đến mọi bản làng trên nước Việt thân yêu.
Hạo Nhiên (tổng hợp) / theo Quehuongonline