Đối với người dân Trung Quốc, chúng là các ngọn núi gắn liền với sự huyền diệu của tôn giáo và đất trời.
Thái Sơn
Tiên Nhân Kiều, một cảnh đẹp tự nhiên của Thái Sơn.
Còn được gọi là Đông Nhạc, ngọn núi này là nơi các vị hoàng đế Trung Hoa thực hiện các lễ tế, chính vì thế nó được coi là ngọn núi thiêng nhất trong ngũ đại danh sơn. Thái Sơn được người Trung Quốc xem là biểu tượng của bình minh, của sự sống và sự tái sinh. Dáng Thái Sơn được gói trong chữ “tọa” (ngồi) đầy chất vương giả.
Thái Sơn, ngọn núi vương giả ngự giữa đất trời.
Ngọn núi chính của Thái Sơn mang tên Thiên Trụ (cột chống trời), đỉnh núi mang tên Ngọc Hoàng cao 1545m. Những cái tên đó cũng đủ nói lên sự uy nghi của Thái Sơn trong lòng người Trung Quốc. Cũng giống như các danh sơn khác, thế núi của Thái Sơn rất hiểm trở, tùng bách mọc nhiều và có không ít các thắng cảnh thiên nhiên trên đường lên núi.
Hằng Sơn
Huyền Không Tự bám mình trên vách đá suốt 1.500 năm.
Ngọn núi này nằm ở phía Bắc trong 5 ngọn núi thiêng nên cũng có tên Bắc Nhạc. Đỉnh cao nhất của nó đạt mức 2.016m và dáng vẻ của cả ngọn núi được gắn với chữ “hành” (đi). Hằng Sơn là ngọn núi có lịch sử lâu đời, ngay từ thời Tây Hán đã bắt đầu có chùa miếu. Tới thời Minh – Thanh, Hằng Sơn trở nên nổi tiếng với "tam tự, tứ từ, cửu đình các, thất cung, bát động, thập nhị miếu" (ba chùa, bốn đền thờ, chín đình gác, bảy cung, tám động, mười hai miếu).
Cảnh núi non nhìn từ đường lên chùa.
Cảnh sắc tại Hằng Sơn vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở với điểm nhấn chính là Huyền Không Tự, ngôi chùa được xây từ thời Bắc Ngụy nằm chênh vênh trên vách đá. Dù nhìn rất nguy hiểm nhưng ngôi chùa đã trơ gan cùng tuế nguyệt suốt khoảng 1.500 năm qua.
Hành Sơn
Đây là ngọn núi còn được gọi với cái tên Nam Nhạc. Nó được tạo nên bởi chất đá hoa cương, vách đá dựng đứng như tường thành và nhiều chỗ có hình thù kỳ lạ. Hành Sơn được mô tả với chữ “phi” (bay) nhờ thế núi thanh thoát của nó. Trong hơn 200 đình, chùa, miếu mạo trên Hành Sơn, nổi tiếng nhất là Nam Nhạc Tự với diện tích gần 1 vạn mét vuông.
Hành Sơn như đang bay trong biển bạch vân.
Từ cách đây 2.000 năm, nhiều vĩ nhân đã tới thăm Hành Sơn và để lại nhiều chữ khắc trên đá ca ngợi cảnh sắc của vùng này. Hành Sơn có 72 đỉnh núi lớn nhỏ, 9 ao, 9 giếng, 9 hồ, 10 hang, 15 vách, 25 thác và 38 suối, tất cả đều là những điểm đáng tới thăm quan.
Hoa Sơn
Đỉnh Tây Phong của Hoa Sơn đặc trưng cho dáng vẻ ngọn núi này.
Đây là ngọn núi hiểm trở nhất trong 5 núi thiêng và còn được gọi là Tây Nhạc. Nhìn từ xa, Hoa Sơn giống như một bông hoa và nhờ đó nó mang cái tên như ngày nay. Hoa Sơn có 5 đỉnh núi chính trong đó đỉnh cao nhất là Lạc Nhạn vươn tới mức 2.154m.
Phong cảnh như chỉ xuất hiện trong các bức tranh thủy mặc.
Chất đá của Hoa Sơn là đá hoa cương với hàng loạt thạch bích dựng ngược cực kỳ ấn tượng. Hoa Sơn được xem là nơi thử thách tài nghệ của các chuyên gia leo núi và của cả những người hành hương về các đền miếu nơi đây. Hoa Sơn được gắn với chữ “lập” (đứng) chính là nhờ các vách đá hiểm trở này.
Tung Sơn
Nằm ở trung tâm của Ngũ Nhạc, ngọn núi này còn có cái tên Trung Nhạc. Với vị trí trung tâm của Trung Quốc thời cổ, nối liền với những cố đô nổi tiếng như Lạc Dương, Biện Lương, Tung Sơn được coi là đệ nhất danh sơn.
Thiên hạ đệ nhất danh sơn – Tung Sơn.
Đã có 30 vị hoàng đế và khoảng 150 văn nhân trứ danh từng đặt gót tới Tung Sơn và càng làm cho ngọn núi này trở thành nơi anh linh tụ hội. Thiếu Lâm Tự danh lừng thiên hạ cũng nằm trên ngọn Thiếu Thất của Tung Sơn và ngoài ra còn có Trung Nhạc miếu, một trong các công trình kiến trúc cổ nhất Trung Quốc được xây từ thời Tần.
Hòa thượng đi trên một cây cầu cheo leo qua vách núi.
Theo PLXH