Không đơn thuần là cảnh mua - bán xong rồi nhổ sào phiêu bạt của khách thương hồ, mà “xuồng neo bến chợ” đã làm nổi bật những nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long, thể hiện tính văn hóa cộng đồng sâu sắc của con người nơi đây.
Mối thân tình qua những lần “có giang”
Xưa, do điều kiện cuộc sống thấp, đi lại khó khăn, người dân muốn đi đâu, khi không có ghe xuồng phải đi bộ. Nhưng vì đoạn đường xa, muốn đi cho nhanh để kịp những việc cấp thiết như ăn cỗ, đám tang, thăm họ hàng… không còn cách nào người ta đến những bến chợ ven sông, nơi có nhiều xuồng ghe của dân buôn từ khắp các địa phương đổ về để “có giang” (đi nhờ) đến những nơi cần đến. Bởi tính hiếu khách, phóng khoáng, người chủ phương tiện sẵn sàng cho đi nếu cùng một điểm đến.
Trong hành trình đi, chủ và khách luôn hỏi thăm nhau về quê quán, việc làm ăn, tại sao đi đường này, đi có việc gì… Họ chuyện trò vui vẻ, nếu cuộc nói chuyện thấy hợp tình, vừa ý, họ sẵn sàng chỉ nhà và cùng nhau mời đến chơi nếu có dịp. Từ đây, cũng có những cuộc giao kết thâm tình tiến tới thông gia giữa con chủ, con khách qua những lần gặp mặt tới lui kể từ sau chuyến “có giang” ấy.
Do đặc thù của nghề buôn bán nên việc neo xuồng, ghe dài ngày thậm chí cả tháng nơi bến chợ là lẽ thường tình. Thương nhân đợi khi nào tiêu thụ hết hàng hóa mới đi nơi khác để lấy sản phẩm, hoặc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo hướng vòng tròn. Do vậy, việc tạo mối quan hệ quen biết với người sở tại - trên bờ để thuận lợi trong buôn bán và cuộc sống hàng ngày hoặc có bạn bè thân thích cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống thương hồ. Ban đầu họ chỉ quen biết qua những cuộc nói chuyện “trên bến dưới thuyền”, dần qua nhiều cuộc nói chuyện hỏi thăm, hay những lần “tửu phùng đối ẩm”, “mâm cơm kết giao” họ đã thân thiết như anh em một nhà.
Khi công việc buôn bán ổn định, khách thương hồ muốn tìm cho mình chốn đi về ổn định. Qua một thời gian neo thuyền đất lạ, họ thấy rằng vùng đất, con người nơi đây hài hòa vào nhau, trọng tình trọng nghĩa, có thể mua may bán đắt, họ sẵn sàng mua đất cất nhà và định cư ở hẳn nơi đó.
Văn hóa ứng xử trong cuộc sống đời buôn “thuyền neo bến chợ” cũng rất đặc biệt - lời nói, hành động luôn gần gũi, thật thà mang đậm cá tính bộc trực, thẳng thắn của con người nơi đây.
Chia sẻ vui buồn trong cuộc sống
Do đậu bến dài ngày chờ bán xong hàng hóa, xuồng ghe đậu san sát, nối đuôi nhau dài đến giữa sông. Nếu ghe đến sau cần lên bờ để tham khảo giá cả chợ, hay vận chuyển hàng lên chợ để bán, không còn cách nào khác họ phải đi nhờ trên từng mui ghe đậu trước. Là nghề đi buôn nên ai cũng hiểu, vì vậy, chủ ghe, xuồng chẳng ai nề hà, khó khăn với người bạn chợ, với người “đồng hội, đồng thuyền”. Qua đó, họ còn hỏi thăm nhau về quê hương, gia đình, buôn lời hay lỗ... dần trở nên thân thích, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi bất trắc, người ghe bên này qua ghe khác để trợ giúp.
Là dân tứ xứ sau buổi chợ chiều đã vãn, những toan tính bán buôn nơi chợ đã tan, họ trở về với cuộc sống bình lặng, biết bao nỗi buồn man mác đời xa hương lạc xứ... Bởi thế, tới buổi cơm chiều họ thường nhâm nhi vài ba ly rượu để giải sầu, ban đầu thường uống một mình dưới khoang ghe, nhưng rượu ngon, mồi bén “độc ẩm” sẽ vô vị, họ bày mâm trên mui rồi mời mọc những bạn ghe lân cận, dù đã quen thân, hay chỉ mới biết qua loa đến cùng đối ẩm.
Sau những cuộc rượu, để tạo sự vui vẻ trong bữa tiệc hoặc do sự bộc phát bởi tính khí cao hứng “tửu nhập tâm” hoặc do máu nghệ sĩ… những lời ca, tiếng hát được cất lên trầm bổng cùng những tràng pháo tay giòn giã. Hết người này ca đến người kia hát nhằm trả lễ, hoặc tặng nhau chúc mừng ngày gặp mặt, hội ngộ… Là người từ nhiều vùng miền nên có nhiều thể loại ca hát, ngón đờn: vọng cổ, hò, vè, lý, đối đáp… “mỗi người một vẻ” đã góp cho buổi tiệc thêm nhộn nhịp. Sau các buổi tiệc như vậy nhiều người đã thuộc lòng bài hát của nhau. Từ đó, theo những chuyến buôn ở nơi khác nếu có dịp hát hò, tiệc tùng, hay tự ngâm nga để bày tỏ nỗi tình nhớ quê nhớ bạn, họ ca lại những bài vừa mới học được. Hình thức “truyền miệng” này đã làm cho việc giao lưu, phổ biến nghệ thuật đờn ca tài tử càng thêm rộng rãi…
Bên cạnh những nét văn hóa thể hiện tính cộng đồng sâu sắc ấy còn rất nhiều thứ khác mà con người nơi bến chợ đối đãi với nhau thấm tình đậm nghĩa, mang rõ phẩm chất “trọng chữ tín, chữ tình, nghĩa hiệp” của người dân miền sông nước Cửu Long... Tâm tình, tính cách con người nơi đây chân chất như dòng nước êm đềm chở nặng phù sa; con người “đầu trần chân đất” trông cục mịch lại là những con người giàu tình cảm, đầy nghĩa khí… Cuộc đời phiêu bạt của họ không phải chỉ có toan tính, hơn thua ở “cách cân giá bán”, mà còn đậm chứa biết bao tình cảm, ít có người ở phố thị hiện đại, chợ búa sang trọng nơi khác có được.
Liêu Ngọc Ân (Làng Việt)