Đối với người Việt Nam, dù ở tầng lớp nào, là người miền ngược hay miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn đều biết đến trà như một thức uống truyền thống, mang đậm nét văn hóa Việt Nam.
Ảnh minh họa
Nét độc đáo trong thưởng trà của người Việt
Có thể nói trà có mặt trong mọi hoạt động xã hội của người Việt, từ trong gia đình ra tới ngoài phố, từ các quán nước vỉa hè đến những nhà hàng sang trọng. Trong những dịp lễ tết, ma chay, cưới hỏi, trà là thứ không thể thiếu. Một bộ ấm pha trà là thứ luôn có trong mỗi gia đình người Việt.
Cách thưởng thức trà của người Việt cũng mang nhiều nét độc đáo, cách uống trà của người Việt Nam rất đa dạng và không theo chuẩn mực nào. ViệtNam không có trà đạo nên cách uống trà được coi là nghệ thuật có tính truyền thống. Người Việt uống trà theo nhiều kiểu: dân dã có, sang trọng, cầu kì cũng có. Tùy vào thời gian và sở thích riêng mà mỗi người tìm cho mình một cách thưởng trà khác nhau, có thể là trà xanh (chè tươi) cũng có thể là trà mộc, trà ướp hoa... Trà tươi để tiếp đãi hàng xóm láng giềng thân mật, trà ướp hoa để đãi thượng khách, khách quý phương xa đến thăm. Và cũng có thể do đặc điểm địa lý mà cách thức uống trà của người Việt cũng có sự khác biệt như người miền Bắc thích uống trà mạn (loại trà đã được sao tẩm) và uống nóng, người miền Trung thường hay dùng trà tươi dân dã, người miền Nam thường dùng trà đá…
Ảnh minh họa
Trà tươi vốn là thức uống cổ xưa và phổ biến của người Việt. Cách pha trà tươi cũng có chút khác biệt tùy vào từng vùng. Trà tươi để nguyên lá, rửa sạch, không vò cho vào nồi nấu như tại làng Tiên Lữ, Vĩnh Phúc... Trà tươi rửa sạch, vò nát, nấu để uống từ sáng đến chiều như người Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Trà tươi băm hoặc giã nát, ủ rồi phơi khô, sau đó mới hãm chè như người Huế...
Ở các thành phố lớn của Việt Nam, đi đâu cũng có thể bắt gặp những quán trà. Quán trà đá rất đơn giản, chỉ cần có phích nước, ấm trà, vài cái cốc, vài chiếc ghế, thế là người ta có thể ngồi uống trà và nói chuyện. Không cầu kì trong cách pha chế, cũng không kén chọn người uống, trà đá của người ViệtNam là một nét văn hóa rất bình dị mà cũng rất độc đáo. Khi thưởng thức trà có thể dùng các đồ ăn nhẹ kèm với trà: kẹo lạc, kẹo vừng thanh, kẹo cu đơ, bánh cốm, bánh đậu xanh... Thời kì hội nhập, nhiều loại thức uống của phương Tây tràn vào Việt Nam, nhưng những quán trà đá vẫn thu hút giới trẻ. Điều ấy chứng tỏ sức hút của thứ đồ uống đặc biệt này.
Còn sang trọng hơn, cầu kỳ hơn người ta có thể thưởng thức các loại trà ướp hương như trà sen, trà hoa cúc, trà hoa sói, trà nhài… Để có được loại trà mang hương thơm của các loài hoa trên đòi hỏi công đoạn ướp tẩm rất cẩn thận và cầu kỳ. Ví như trà sen Hồ Tây, để có 1kg trà sen người ta phải cần tới từ 1000 - 1400 bông sen để ướp, tùy độ to nhỏ và phải được hái trước lúc bình minh. Sau đó được ướp tẩm nhiều lần mới cho ra một sản phẩm như mong muốn. Chính vì vậy mà giá thành của loại trà tẩm ướp này rất cao.
Cách uống trà ướp hoa này thể hiện được sự sang trọng, lịch lãm, tao nhã, nhưng cũng có những người sành uống trà cho rằng uống trà ướp hương sẽ không còn hương vị thật của trà.
Hiện nay cả nước có những vùng trồng trà nổi tiếng không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước, được bạn bè quốc tế đánh giá cao về chất lượng như trà Tân Cương – Thái Nguyên, trà Mộc Châu- Sơn La, trà Bảo Lộc – Lâm Đồng…
Ảnh minh họa
Uống trà thưởng Xuân
Trà đã trở thành thức uống gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt. Trong không khí Xuân về trên khắp quê hương Việt Nam, các gia đình người Việt luôn tề tựu sum họp để đón Tết cố truyền ấm cúng trong tình thân. Hương trà quyện cùng bầu không khí ấm áp của gia đình dường như không thể thiếu trong những ngày Tết. Bên chén trà, con người có thể chiêm nghiệm ra nhiều điều mới mẻ của cuộc sống, làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú.
Hương thơm của trà Xuân cũng được chắt lọc từ tinh túy của trời đất vào Xuân nên mang hương sắc khác biệt. Những đọn, búp trà non xanh được tạo nên bởi mưa Xuân, nắng Xuân ấm áp và được sao tẩm, chế biến trong không khí Xuân rộn ràng với niềm hy vọng phấn chấn của những người trồng trà đã cho ra sản phẩm trà Xuân đặc biệt.
Các cụ xưa có hình thức hội trà. Mỗi độ Xuân về, mọi người trong hội lại tụ họp nhau cùng thưởng trà, thưởng hoa, bình thơ… Bên chén trà ấm nóng phảng phất hương Xuân tạo thi hứng, nhiều bài thơ, bài văn đã ra đời và hơn hết nó đã trở thành nơi gặp gỡ tâm giao của những con người đồng điệu. Trà đã lưu lại cho hậu thế những vần thơ sâu lắng, trác tuyệt làm lay động lòng người... Đêm đông lạnh lẽo tuyết sương/ Nhấp chén trà nóng ấm lòng thi nhân (Đường Thi), Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa hạc cũ với xuân này(Hồ Chí Minh)…
Trong không gian đất trời giao hòa, thưởng thức chén trà Xuân ấm nóng khiến tâm hồn thư thái, cùng với không khí gia đình sum vầy, quây quần, tụ họp như chất men tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Cũng với chén trà, càng ngày con người càng thấy rõ hơn, trà chính là phương tiện tốt giúp con người dụng tâm để tự hoàn thiện. Trong những ngày Xuân, trà vẫn luôn sẵn sàng, mời gọi, hy vọng mọi người hiểu nhau hơn và cùng gặp nhau trong một tách trà thân ái. Có lẽ vì thế uống trà đã tạo thành một tập tục tao nhã của người Việt.
Lan Thảo (tổng hợp) /theo Quehuongonline